CĐGDVN nâng cao chất lượng từ hoạt động của các công đoàn cơ sở trường học

GD&TĐ - Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo, các cấp công đoàn trong ngành GD triển khai hiệu quả những nội dung, chương trình, kế hoạch đề ra...

Các CĐCS tìm kiếm và tổ chức các hoạt động nâng cao vị thế của nhà giáo, khẳng định giá trị cống hiến của từng người lao động.
Các CĐCS tìm kiếm và tổ chức các hoạt động nâng cao vị thế của nhà giáo, khẳng định giá trị cống hiến của từng người lao động.

Năm học 2022 - 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo, các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục triển khai hiệu quả những nội dung, chương trình, kế hoạch đề ra, cụ thể tới từng tháng, từng quý.

Theo đó, nhiều nội dung hoạt động công đoàn được thực hiện với các giải pháp sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của nhà giáo, người lao động (NGNLĐ), đảm bảo sự ổn định, phát triển của các đơn vị, nhà trường và ngành Giáo dục.

Bắt đầu từ việc thay đổi cách làm

Từ đầu năm học, Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) thường xuyên rà soát, nghiên cứu các cách làm sao cho phù hợp nhất với thực tế; phù hợp với quá trình vận hành ở các cơ sở trường học trong bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra với nhiều yêu cầu mới và khó với giáo viên, nhà trường.

Để triển khai công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, xuyên suốt, thống nhất, CĐGDVN đã thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với cán bộ chủ chốt công đoàn các đơn vị, trường học. Từ đó, phát hiện vấn đề, bàn bạc thống nhất cách xử lý, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới của mỗi đơn vị. Qua các buổi giao ban trực tuyến, nhiều tâm tư của NGNLĐ trong ngành được chia sẻ, vấn đề trăn trở, băn khoăn được tháo gỡ, nhiều ý kiến được chuyển tải đến những địa chỉ cần biết.

Với hơn 100 đầu mối quản lý, với đặc thù khác nhau, các đơn vị trong 7 khối thi đua CĐGDVN đã tổ chức nhiều hoạt động có nội dung thiết thực, với cách làm sáng tạo. Mỗi khối thi đua đã cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, cùng quyết định những vấn đề có tính chung nhất của công đoàn trong quá trình tổ chức các hoạt động ở cơ sở.

Trong năm học qua, khối thi đua công đoàn các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng (khối thi đua số 1) tập trung giải quyết vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn thích ứng với yêu cầu của giáo dục đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra.

Công đoàn khối các trường ĐH đa ngành (khối thi đua số 4) bàn thảo và quyết định các nội dung liên quan đến văn hóa và thực hành văn hóa của các giảng viên đại học trước những tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, xu thế giao lưu, tiếp biến diễn ra hết sức phức tạp và cả những nguy cơ, hệ lụy đang hiện hữu trên giảng đường, trong đời sống giảng viên, sinh viên.

Công đoàn khối các trường sư phạm (khối thi đua số 3) đặt ra vấn đề lớn mà các trường sư phạm đang phải đối mặt, đó là năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo trước áp lực công việc, trước sự va đập văn hóa, kỳ vọng của xã hội, phụ huynh và những thách thức mới đặt ra cho nhà trường, giáo viên các trường sư phạm nói riêng và các trường học nói chung.

Thông qua kênh của công đoàn để phát hiện, ghi nhận, tôn vinh và khen thưởng những cá nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, độc đáo… Năm 2022, cùng với hơn 200 nhà giáo tiêu biểu toàn ngành, CĐGDVN đã giới thiệu 5 nhà giáo - cán bộ công đoàn có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục để tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022.

Các công đoàn cơ sở (CĐCS) tích cực trong việc tìm kiếm và tổ chức hoạt động nâng cao vị thế của nhà giáo, khẳng định giá trị cống hiến của người lao động. Công đoàn các đơn vị: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội... chủ động đến với nhà giáo, nhà khoa học, giúp họ hoàn thiện hồ sơ, đề nghị công nhận và cấp bằng “Lao động sáng tạo” cấp Tổng Liên đoàn.

Công đoàn Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Đà Lạt, Trường Đại học Cần Thơ... quan tâm hỗ trợ giảng viên trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Công đoàn Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Tây Bắc tìm cách nâng cao đời sống tinh thần, tháo gỡ những tâm tư, trăn trở bằng các hoạt động mang đậm màu sắc công đoàn.

Công đoàn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Giao thông Vận tải mạnh dạn đề xuất các chế độ chính sách nhằm điều hòa, nâng cao thu nhập của trường thực hiện tự chủ mức độ cao. Công đoàn ĐHQG Hà Nội với các hoạt động sôi nổi, độc đáo, thu hút hàng nghìn giảng viên, sinh viên tham gia, góp phần cùng Ban Giám đốc giải quyết bài toán về chuyển địa điểm đào tạo ra ngoại thành Hà Nội với rất nhiều khó khăn, vất vả.

CĐGD thành phố Hà Nội phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” để vinh danh hàng trăm giáo viên, tạo động lực cho nhà giáo thêm yêu, gắn bó với nghề. CĐGD Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị… tổ chức các hoạt động “Giáo viên giúp đỡ giáo viên, trường giúp đỡ trường, phòng giúp đỡ phòng”.

Đại hội Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đại hội Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Sự tin tưởng của đội ngũ NGNLĐ ở cơ sở đã truyền cảm hứng, tạo động lực cho mỗi cán bộ công đoàn, để họ tận tâm, tận lực trong từng công việc. Mặc dù phụ cấp công đoàn không cao, chế độ giảm trừ giờ chưa thật sự thỏa đáng với thời gian họ cống hiến, nhưng những so đo tính toán đó dường như ít tồn tại với cán bộ công đoàn trong ngành Giáo dục, nhất là cán bộ công đoàn các cơ sở giáo dục đại học.

TS Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn ĐH Bách khoa Hà Nội; TS Nguyễn Hữu Đồng - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; TS Phạm Thị Bình - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Vinh; ThS Dương Thị Tuyền - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Cần Thơ, TS Hoàng Quý Châu - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Quy Nhơn... và nhiều đồng chí cán bộ công đoàn khác luôn được NGNLĐ tin tưởng, lãnh đạo nhà trường gửi gắm nhiều trọng trách khi trường tổ chức các hoạt động quan trọng.

Nghĩ sao để hoạt động công đoàn trường mình không bị trùng lặp, nhàm chán là nỗi niềm của cán bộ công đoàn các nhà trường. Qua mỗi hoạt động, cán bộ công đoàn được tham gia và thể hiện năng lực, được ghi nhận. Họ quên cả vất vả, hy sinh nhiều thời gian công sức, trí tuệ để được cống hiến - cho đi, được sáng tạo cũng như thể hiện giá trị trước cộng đồng.

Cũng là nắm tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên là NGNLĐ tại đơn vị nhưng cùng với việc gặp trực tiếp để trao đổi, bày tỏ..., công đoàn các trường học còn gián tiếp tìm hiểu thông qua Zalo, Facebook, qua phản hồi của NGNLĐ tại các diễn đàn, buổi sinh hoạt chung. Cách làm này vừa tế nhị, vừa sâu sát, kịp thời.

Từ CĐCS, mỗi cán bộ công đoàn là những tư vấn viên về pháp luật, chế độ chính sách, về giải quyết các mâu thuẫn, các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống của NGNLĐ. Công đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Thương mại... là đơn vị điển hình trong việc vận hành những điều mới mẻ này.

Nhà giáo luôn là tấm gương trên mọi phương diện cho người học thông qua biểu hiện của nhân cách, lối sống, đạo đức, trí tuệ… nhiều sinh viên muốn được thể hiện tình cảm, sự trân trọng và lòng cảm phục về thần tượng thầy cô của mình. Cơ hội đã có khi công đoàn các nhà trường tổ chức cuộc thi sáng tạo video clip dành riêng cho học sinh, sinh viên với tên gọi “Thầy cô trong mắt em”. Cuộc thi có sức lan tỏa và tác động mạnh tới giáo viên.

Tháng 8/2023, lần đầu tiên, tổ chức công đoàn trong ngành Giáo dục đề nghị và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng ý thực hiện 2 chương trình gặp gỡ, trực tiếp trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên ở tất cả cấp học với hàng triệu nhà giáo theo dõi trực tiếp.

Cách làm mới mẻ này đã giúp cho NGNLĐ được tiếp cận với kênh thông tin mới, chính thống bên cạnh đa dạng nguồn thông tin hàng ngày, hàng giờ đến với họ. Đồng thời, khẳng định cách làm mới, bước đi đúng đắn của Công đoàn ngành Giáo dục ứng đáp với những yêu cầu thực tiễn đang diễn ra.

Năm học 2023 - 2024 bắt đầu với những nhiệm vụ mới của ngành Giáo dục cả nước. Với công đoàn các cơ sở giáo dục, trường học, việc đồng hành cùng ngành Giáo dục là nhiệm vụ chính trị quan trọng cũng phải có những giải pháp, cách làm mới để động viên NGNLĐ thấu hiểu công việc, nắm rõ nhiệm vụ và có trách nhiệm, năng lực đáp ứng với các yêu cầu đặt ra bằng việc làm cụ thể tại đơn vị.

Bồi đắp tình yêu nghề, tạo động lực, truyền cảm hứng để đội ngũ NGNLĐ tự tin, vững tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao là nhiệm vụ rất lớn mà tổ chức công đoàn trong ngành Giáo dục, từ CĐGDVN đến các CĐCS phải thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.