Cây trôi cổ thụ 'chết đứng' sau khi được cải tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi được cải tạo, cây trôi hơn 300 năm tuổi (ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) bỗng dưng "chết đứng" khiến người dân vô cùng tiếc nuối.

Gốc cây trôi cổ thụ có đường kính hơn 4m với nhiều ụ sần sùi.
Gốc cây trôi cổ thụ có đường kính hơn 4m với nhiều ụ sần sùi.

Xóm Yên Lạc, xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương, Nghệ An) có một cây trôi cổ thụ, là niềm tự hào của người dân địa phương. Thân cây cao lớn hàng chục mét, gốc cây có đường kính hơn 4m với nhiều ụ sần sùi, cành lá vươn rộng bao trùm cả một khu vực.

Theo các cụ cao niên trong làng, cây trôi này đã hơn 300 năm tuổi. Trong chiến tranh, máy bay Mỹ đã ném 2 quả bom xuống gần cây khiến một số cành cây bị gãy. Trải qua nhiều thế kỷ, cây trôi đã trở thành một phần văn hóa, chứng tích lịch sử của nhân dân xóm Yên Lạc.

Để giữ gìn giá trị của di sản này, từ nhiều năm qua, người dân địa phương đã có ý thức bảo vệ, không ai dám xâm hại đến cây. Vì cây nằm gần bờ sông nên người dân đã kè đá, trồng cây ở mép sông để đất không bị lở.

Cây trôi ở làng Yên Lạc "chết đứng" sau khi được bảo dưỡng.
Cây trôi ở làng Yên Lạc "chết đứng" sau khi được bảo dưỡng.

Ông Nguyễn Mạnh Quý - Bí thư Chi bộ xóm Yên Lạc cho biết, ngôi làng mà ông đang sống được hình thành cách đây hơn 500 năm, còn cây trôi có tuổi thọ khoảng hơn 300 năm.

“Chúng tôi rất tự hào và quý cây cổ thụ này. Nó gắn liền với tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ trong làng và phong trào cách mạng ở địa phương. Hàng năm đến mùa này, cây cho quả rất nhiều, người dân trong làng thường đến hái quả để ăn. Quả trôi nhỏ hơn quả xoài, khi chín ăn rất thơm và có vị chua dịu”, ông Quý nói.

Theo người đàn ông này, do chịu nhiều tác động của thời gian và bom đạn trong chiến tranh nên địa thế của cây nằm hơi thấp, trơ rễ. Chính vì thế, người dân muốn tôn tạo lại khu đất xung quanh cây để giúp cây phát triển và tạo cảnh quan.

Sau một thời gian vận động người dân tự nguyện đóng góp, xóm đã thu được 200 triệu đồng để thực hiện dự án này.

Đầu năm 2020, Ban xây dựng của xóm đã đứng ra tổ chức thuê người chở đất màu ở ngoài đồng về để tôn cao nền đất quanh gốc cây và xây bờ kè để bảo vệ cây. Mục tiêu là biến khu đất 4.000m2 thành điểm di tích giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Thân cây chết khô, lá rụng không mọc trở lại.
Thân cây chết khô, lá rụng không mọc trở lại.

Theo ông Quý, trong quá trình thi công, Ban xây dựng đã bón 1 bao phân NPK 25kg và đắp đất cao khoảng 1m quanh khu vực gốc cây.

Sau khi tôn tạo xong, đầu năm 2021, cây trôi ra lá non, nhưng sau đó do xuất hiện rất nhiều sâu ăn lá nên xóm đã thuê 1 người đến phun thuốc trừ sâu cho cây. Cuối năm đó, cây trôi bị rụng lá hoàn toàn.

Những tưởng mùa Đông cây thay lá, người dân xóm Yên Lạc chờ mãi từ mùa Xuân đến mùa Hè năm 2022, cây trôi vẫn không ra một lá nào.

Được biết, về đặc điểm sinh học, cây trôi xanh tốt quanh năm, không thay lá đồng loạt như cây bàng, do đó khi cây trôi rụng hết lá, thực chất là cây đã có dấu hiệu bị chết khô.

Đến nay, cây trôi đã chết, cành cây có dấu hiệu bị mục, nhiều mảng vỏ cây bị bong ra khỏi thân cây. Theo ông Quý, cây được bón phân đạm NPK nhưng không quá nhiều nên có thể cây chết là do bị đắp đất quá cao quanh gốc cây.

“Chúng tôi dự tính sau tôn tạo sẽ làm thủ tục để đăng ký Cây di sản Việt Nam. Theo quy định thì cây trôi này hội đủ các tiêu chí để được công nhận cây di sản. Nhưng rất tiếc, bây giờ nó đã chết”, ông Quý tiếc nuối.

Bí thư Chi bộ xóm Yên Lạc cho rằng, do chủ quan nên trước khi tôn tạo cho cây, đại diện của xóm đã không tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn nên đã xảy ra việc rất đáng tiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ