Đội trống chiêng nhí Bhơhôồng

Đội trống chiêng nhí Bhơhôồng

(GD&TĐ) - Trong những năm gần đây, tại Làng Du lịch cộng đồng thôn Bhơhôồng, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, Quảng Nam) nhiều du khách trong và ngoài nước đã quen thuộc với hình ảnh tân tung, da dá của đồng bào dân tộc Cơtu trong mỗi dịp lễ hội của làng. Nhưng, điều làm du khách thích thú nhất đó là hình ảnh của những cô bé, cậu bé của làng nhịp nhàng, uyển chuyển theo điệu trống tân tung, da dá,…

Kế tục văn hóa làng…

Mới đầu lập nhóm, Đội chỉ có vài người, chưa hình thành đội múa nối thành vòng tròn nên phải sáp nhập với những người lớn, vì thế hình ảnh của đội múa bị rời rạc, không được cân đối. Với lòng yêu văn hóa Cơtu, đặc biệt điệu da dá dành cho chị em nữ, chị Bhling Thị Xiếc đã đề xuất thành lập đội múa trống chiêng nhí của làng. Để thuyết phục được con em của làng tham gia, chị trực tiếp hướng dẫn con mình là cháu Briu Thị Mran và Briu Báo tham gia múa cùng với mọi người.

Thấy được sự nhiệt huyết, với điệu tân tung, da dá của cô bé và cậu bé, già làng Bhnướch Bao đã giao chị Xiếc đảm nhiệm tập hợp, hướng dẫn các cháu nhỏ của làng điệu tân tung, da dá. Chị Bhling Thị Xiếc cho biết, đội trống chiêng của làng gồm 12 cháu, tham gia tập luyện vào những ngày cuối tuần, được trang bị đầy đủ các loại thổ cẩm, khiêng, trống, chiêng… Mỗi lần tập luyện, các cháu rất hào hứng khi biết được đây là điệu múa đẹp nhất của dân tộc Cơtu, cần được thế hệ các cháu kế tục, tiếp nối, thắp thêm ngọn lửa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chị Xiếc cho biết thêm.

Theo ông Bhriu Như, Bí thư Chi bộ thôn Bhơhôồng: Người dân trong thôn rất yêu quý văn hóa của mình, vì thế phong tục tốt đẹp của làng được nguời dân giữ gìn và phát huy. Từ khi hình thành làng du lịch cộng đồng tại thôn, văn hóa lễ hội được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo khách du lịch đến xem, nên điệu múa tân tung da dá không chỉ người lớn tham gia mà cần phải truyền dạy lại cho thế hệ trẻ biết để có ý thức giữ gìn, không bị mai một.

Trong đội, lớn nhất là cháu Briu Ly (12 tuổi), được giao làm đội trưởng, dẫn đầu đội mỗi lần biểu diễn. Nhỏ nhất là cháu Briu Mran (mới 6 tuổi), cũng là người đứng sau cùng đội, gây ấn tượng nhất nên được nhiều khách du lịch quay phim, chụp hình. Cháu Briu Ly chia sẻ, rất tự hào khi được tham gia múa cùng các cô chú trong làng và được mọi người quan tâm, chú ý; chúng cháu sẽ cố gắng tập luyện thường xuyên để mỗi mùa lễ hội biểu diễn tốt hơn. Còn cháu Briu Mran thẹn thùng, cháu thích múa da dá lắm, mỗi lần múa cháu thấy rất vui vì được hòa mình cùng mọi người theo nhịp trống chiêng.

Làng du lịch cộng đồng thôn Bhơhôồng thường xuyên có khách du lịch đến thăm để chiêm ngưỡng không gian văn hóa làng, hòa mình trong căn nhà Moong đầy ấm cúng, nghỉ ngơi, chuyện trò với các thành viên trong gia đình về sự hình thành của làng.

Trước giờ biểu diễn
Trước giờ biểu diễn
 

Đội trống chiêng quần chúng

Từ khi được thành lập, Đội trống chiêng thôn Bhơhôồng ít được nghỉ ngơi thảnh thơi. Nhiều sự kiện thôn, xã tổ chức đều có mặt của đội trống chiêng Bhơhôồng tham gia, đặc biệt mới đây huyện Đông Giang tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm tái lập huyện, đội trống chiêng nhí thôn Bhơhôồng là lực lượng chính biểu diễn trong lễ hội đâm trâu.

Ông Ating Rốt, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Đông Giang tự hào: Nhờ có đội trống chiêng thôn Bhơhôồng, lễ hội văn hóa Cơtu được rộn ràng, đằm thắm, góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm. Sau này, huyện sẽ xem xét khuyến khích các cháu tham gia nhiều sự kiện hơn nữa và chỉ đạo các xã quan tâm thành lập đội trống chiêng từ các thôn, trong đó chú trọng bồi dưỡng các cháu nhỏ như thôn Bhơhôồng đã làm.

Trong sự kiện Fastival Di sản Quảng Nam 2013, Đội trống chiêng làng du lịch Bhơhôồng cũng vinh dự được tham gia công diễn phục vụ khách thập phương đến xem. Bà Trần Thị Ngọc Nghi, không ngại đường xa từ huyện Phước Sơn qua xem, đã trầm trồ khen ngợi các cháu nhỏ biểu diễn, trước đây bà cứ nghĩ điệu múa tân tung, da dá của người Cơtu chỉ có người lớn mới múa được, nào ngờ các cháu nhỏ cũng múa rất uyển chuyển, dẻo dai, đều dặn như người lớn vậy.

Bà Trần Thị Ngọc Nghi cho biết, nhịp trống chiêng của người Cơtu rất hay, du dương, nhịp nhàng, có vần tiết tấu rõ rệt, khác hẳn với nhịp trống chiêng của người Mơnông ở Phước Sơn. Đặc biệt, điệu phụ họa của các cháu nhỏ đã gây ấn tượng mạnh bởi bàn tay dâng trời của các cô bé và nhịp giậm chân mạnh mẽ, cường tráng của các cậu bé.

Dù mới được thành lập, nhưng đội trống chiêng thôn Bhơhôồng đã tham gia nhiều sự kiện lớn của thôn, xã và huyện. Mỗi lần trình diễn, đội cũng đều để lại ấn tượng đẹp cho mọi người đến xem. Trong thời gian đến, được biết đội sẽ tiếp tục tham gia các sự kiện du lịch khác tại thôn và huyện.

BHƠRIU QUÂN

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ