Bệnh nhi Phạm Tiến Thành, 18 tháng tuổi ở Đầm Dơi, Cà Mau lập tức được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng ho nhiều kèm nôn ói.
Cây đinh được nhìn thấy qua phim X-quang. Ảnh: Thiên Chương |
Từ lời của gia đình, các bác sĩ đã chụp chiếu và phát hiện cây đinh vít nằm trong đường tiêu hóa. Việc phẫu thuật nội soi cho thấy dạ dày đã bị trầy xước, cây đinh lúc này đã chui xuống ruột non.
"Khoảng 10 phút sau khi dùng các vật dụng chuyên biệt, chúng tôi đã lấy thành công cây đinh bằng nhôm còn mới, dài khoảng 4,5 cm ra ngoài", bác sĩ Phạm Trung Dũng, Trưởng phòng nội soi, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Cũng theo bác sĩ Dũng, đối với trường hợp này, do cây đinh bén nhọn nên dị vật không thể thảy ra ngoài qua đường đi tiêu. Nếu nhập viện muộn, cây đinh kẹt ở tá tràng dễ gây thủng, xuất huyết và hoại tử.
Theo lời người nhà, chiều 29/10, bố là thợ cửa nhôm đi làm về đưa cho con hai cây đinh cầm chơi. Sau đó nghe bé khóc thét, nôn ói, người bố hoảng khi phát hiện chỉ còn một cây đinh.
Bác sĩ Dũng cho biết, khoa Tiêu hóa thường xuyên tiếp nhận trẻ nuốt dị vật. Thường thấy nhất là dụng cụ học tập, đồ chơi, cục pin, tăm, cán nhựa của cây kẹo mút... Nhiều trường hợp bố mẹ trước đó không biết khi bé bị biến chứng nặng mới nhập viện.
Thiên Chương