Vụ phóng thất bại
Ngày 22/3, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho hay vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên đã thất bại. Theo Yonhap, tên lửa này có thể đã nổ vài giây sau khi được phóng đi, trước khi đạt tới tầm cao để radar Hàn Quốc phát hiện.
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ Dave Benham đã xác nhận tên lửa đã phát nổ. Vụ thử được tiến hành tại thị trấn ven biển Wonsan, phía đông Triều Tiên.
Triều Tiên vừa thực hiện vụ phóng thử tên lửa mới nhất.
Trước đó, hãng tin AP dẫn nguồn các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên ngày 21/3 cho hay, Chính phủ Washington đang tăng cường hoạt động giám sát đối với Bình Nhưỡng do đã quan sát thấy Triều Tiên di chuyển bệ phóng tên lửa cũng như xây dựng những khu vực ghế ngồi V.I.P tại Wonsan.
Theo các quan chức này, hoạt động giám sát của Mỹ đối với Triều Tiên sử dụng vệ tinh, máy bay không người lái và các loại máy bay khác. Tuy nhiên, họ cho biết vẫn chưa rõ loại tên lửa nào sẽ được Triều Tiên phóng tiếp theo. Trước đó, Bình Nhưỡng từng tiến hành các vụ thử ở Wonsan với loại tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.
Ngoài ra, các quan chức cũng khẳng định, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có ý định tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên và những mối đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Đáp lại, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, ông Choe Myong-nam tuyên bố: “Chúng tôi đương nhiên không sợ những hành động như thế, thậm chí nếu họ có ngăn cản Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế thì sự việc cũng không có gì thay đổi”.
Ông Choe khẳng định, cuộc tập trận mới của Mỹ và Hàn Quốc không đơn thuần nhằm mục đích phòng thủ bởi trong đó đó cả sự tham gia của tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.
“Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển khả năng tấn công phủ đầu, mà lực lượng hạt nhân là nhân tố quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng tấn công Mỹ vào bất cứ lúc nào", ông Choe cảnh cáo.
Biện pháp đối phó của Mỹ với Triều Tiên
Trên tờ CNBC, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus, Chính quyền Trump lúc này cần áp dụng chính sách “ngoại giao sáng tạo” nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là các dự án thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng. Khi nói đến “ngoại giao sáng tạo”, ông Baucus đang ám chỉ tới “quân bài” Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Theo Đại sứ Baucus, Chính quyền Donald Trump nên tích cực thúc giục Trung Quốc cùng hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh tới nay vẫn tỏ ra không mấy mặn mà trong việc hợp tác với Washington dù đã đưa ra nhiều cam kết. Nhưng theo cựu Đại sứ Baucus, nếu ông Trump đưa ra những “chiêu bài” đúng đắn thì ông có thể thuyết phục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hành động mạnh mẽ hơn nữa.
Thậm chí, Nhà Trắng có thể ép Trung Quốc hợp tác bằng cách gây tổn hại tới những lợi ích của Bắc Kinh, nhưng đó được cho là phương pháp liều lĩnh, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực từ đối tác này.
Một biện pháp khác mà Mỹ đã và đang áp dụng là thúc ép, tăng cường các đòn trừng phạt một cách gay gắt hơn đối với Triều Tiên. Nhưng từ nhiều năm qua, phương pháp này tỏ ra không mấy hiệu quả bởi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa và tiến hành các vụ phóng thử. Còn Washington và các đồng minh luôn trong vòng luẩn quẩn của các lệnh trừng phạt, khiến họ chỉ thêm bận rộn. Hơn nữa, với mô hình kinh tế hầu như khép kín theo hướng tự cung tự cấp, Triều Tiên tỏ ra chẳng hề hấn gì bởi các đòn trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.
Căng thẳng hơn, Washington có thể sẽ dùng vũ lực và các hành động quân sự với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa qua cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, động thái này có thể gây ra hậu quả vô cùng nguy hiểm và chứa đựng những rủi ro, gây gia tăng căng thẳng, cuối cùng là dẫn tới một cuộc chiến toàn diện.
Khi đó, hàng triệu người Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ rơi vào vòng nguy hiểm vì nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Bình Nhưỡng. Mức độ đe dọa hạt nhân của Triều Tiên tới nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng không vì thế mà Washington được phép khinh suất, tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng. Tần suất ngày càng tăng của những vụ phóng thử tên lửa cùng tuyên bố mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Triều Tiên là minh chứng cho thấy, nếu Nhà Trắng động thủ sẽ gây ra hiểm họa không thể tưởng tượng được.
Cuối cùng, theo CNN, ông Trump có thể đạt được tiến triển trong vấn đề Tiều Tiên nếu gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong chiến dịch tranh cử, ông chủ Nhà Trắng cũng từng nhắc tới khả năng này khi khẳng định sẵn sàng đón ông Kim tới thăm Mỹ.
Phó Giáo sư John Delury từ đại học Yonsei, Seoul (Hàn Quốc) nhận định, người đứng đầu Nhà Trắng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên là chuyện khó tin nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra nếu đó là ông Donald Trump, một nhân vật có tính cách khó đoán. Ông Trump có thể sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên có thể ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Bước đột phá thực sự sẽ được tạo ra khi hai nhà lãnh đạo ngồi xuống và đối thoại với nhau.