Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đối thoại đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiênt trên lãnh thổ Mỹ trong hơn 5 năm.
Diễn biến này là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể cởi mở hơn với chính quyền ông Donald Trump.
Vòng đối thoại kiểu này (giữa quan chức Triều Tiên và cựu quan chức Mỹ) từng tổ chức ở Malaysia, Bỉ, Đức, Mông Cổ.
Kế hoạch đối thoại lần này do ông Donald S. Zagoria thuộc Ủy ban Quốc gia về chính sách đối ngoại Mỹ lập ra. Ông Zagoria từng tham vấn chính phủ Tổng thống Jim Carter về châu Á và tổ chức các vòng đàm phán trước giữa Mỹ với Triều Tiên. Ông Zagoria từ chối trả lời về công việc chuẩn bị.
Việc sắp xếp cuộc đối thoại trở nên phức tạp hơn sau vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên và cái chết của ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đến nay chỉ biết rằng cuộc đối thoại có thể diễn ra ở TP New York trong vài tuần tới. Bộ Ngoại giao Mỹ hiện vẫn chưa cấp visa cho phái đoàn quan chức Triều Tiên sang Mỹ.
Bà Choe Son-hui Ảnh: YONHAP
Tham gia vòng đối thoại này về phía Triều Tiên là các quan chức chính phủ. Nhân vật dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên có thể là bà Choe Son-hui, Giám đốc cơ quan phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Bà Choe vốn không phải là người xa lạ với Mỹ vì từng tham gia vòng đàm phán hạt nhân sáu bên cũng như các cuộc đối thoại không chính thức trước đây. Trong khi đó, đại diện phía Mỹ sẽ là các cựu quan chức vốn từng tham gia các cuộc đối thoại không chính thức trước đó.
Thông tin trên là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bình Nhưỡng muốn đối thoại với chính phủ Mỹ mới. Báo The Washington Post cho rằng nếu mọi chuyện tốt đẹp, chúng có thể mở đường cho các cuộc đối thoại chính thức.
Các nhà phân tích nghĩ rằng Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng dịu giọng về các chương trình vũ khí của họ.