Câu nói ‘cửa miệng’ của nhiều cha mẹ vô tình ‘xát muối vào tim’ con

GD&TĐ - Một câu nói chẳng khác gì xát muối vào tim nhưng lại là câu “cửa miệng” của nhiều gia đình.

Nhiều câu nói hàng ngày của cha mẹ dễ gây ảnh hưởng đến trẻ. Ảnh minh họa: ITN.
Nhiều câu nói hàng ngày của cha mẹ dễ gây ảnh hưởng đến trẻ. Ảnh minh họa: ITN.

Cô Lê Minh Thúy - giáo viên Học viện Phát triển kỹ năng AAC nhận định, rất nhiều bậc cha mẹ khi giao tiếp với con đều có những mẫu câu chung. Trong đó có không ít câu nói trẻ không hề muốn nghe, thậm chí còn khiến chúng cảm thấy tổn thương.

Trẻ con biết gì mà nói

Câu nói này thường khiến trẻ cảm thấy bị coi thường và không được tôn trọng. Khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu phát triển khả năng tư duy cũng như phán đoán độc lập, và mong muốn được cha mẹ ghi nhận, ủng hộ.

Nếu cha mẹ luôn dùng những lời lẽ như vậy để phủ định con cái, điều đó không chỉ làm mất đi sự tự tin, mà còn có thể khiến trẻ hình thành tâm lý nổi loạn, tạo khoảng cách với cha mẹ. Điều này không tốt với sự phát triển và xây dựng tính cách tích cực cho con.

Con nhà người ta

Chính cha mẹ cũng không muốn trẻ so sánh mình với những ông bố, bà mẹ khác. Vậy nên, nếu cha mẹ luôn dùng những lời lẽ so sánh trẻ với bạn bè chúng để kích thích con, có thể khiến trẻ cảm thấy rằng mình không bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, dẫn đến chán nản, nghi ngờ bản thân và rất tự ti.

Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ có một tính cách riêng, không thể áp đặt tính cách, ưu điểm của đứa này lên đứa khác được. Việc so sánh như thế sẽ gây tổn thương và ức chế tinh thần rất lớn cho trẻ, tạo ra khoảng cách giữa các con với nhau và tình cảm anh chị em trong gia đình cũng bị sứt mẻ.

Con phải nghe lời bố mẹ

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của con cái, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể tước bỏ quyền tự chủ và lựa chọn theo ý muốn của con.

Con cái có những suy nghĩ, mong muốn riêng và chúng mong được cha mẹ tôn trọng, thấu hiểu. Nếu cha mẹ luôn dùng những lời lẽ như vậy để trấn áp, có thể khiến con cái cảm thấy bất lực, tức giận, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ gia đình.

Đầu tiên “con phải nghe lời vì bố mẹ làm tất cả vì muốn tốt cho con” chỉ là lời nói tự mình làm mình cảm động, tự mình đề cao sự hy sinh tự thân. Thoạt nhìn đây là một câu nói đầy tình thương nhưng thực tế lại kiểm soát và bó buộc con, phá hủy con dưới danh nghĩa tình yêu.

Tiếp theo “mẹ là mẹ của con, làm sao mà hại con được?”, đôi khi vì quan điểm khác biệt và cho rằng trẻ ít trải nghiệm, chỉ cần có vấn đề tranh cãi phát sinh, cha mẹ thường cứng nhắc, khăng khăng mình là đúng còn trẻ là sai. Nếu trẻ phản bác, cha mẹ sẽ cảm thấy trẻ hư, không hiểu chuyện.

Thực tế trẻ chỉ đang trải nghiệm, chúng cũng có suy nghĩ của riêng mình, ngay cả khi mắc lỗi, chúng cũng sẽ học được nhiều thứ từ sai lầm đó.

tre de ton thuong tu dau2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Sao con chẳng được tích sự gì thế

Câu nói này thường khiến trẻ rơi vào trạng thái tâm lý bị chỉ trích và không được tin tưởng. Trong quá trình lớn lên, trẻ không tránh khỏi việc mắc sai lầm hoặc có những hành vi thiếu chín chắn, đây là điều bình thường, cha mẹ không nên vì thế mà căng thẳng thái quá.

Nếu các bậc phụ huynh luôn dùng những lời lẽ như vậy để trách móc, điều đó có thể khiến con cái cảm thấy tự ti, chán nản, đồng thời sẽ phá hủy mối quan hệ tin cậy giữa cha mẹ và con.

Một câu nói chẳng khác gì xát muối vào tim nhưng lại là câu “cửa miệng” của nhiều gia đình. Trẻ có làm nên trò trống gì cho tương lai không thì cần có sự định hướng, tin tưởng, khích lệ của bố mẹ, người thân xung quanh.

Nếu con bị chính bố mẹ - người thân thiết nhất coi thường thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng có tâm trí để phấn đấu. Đặc biệt nghiêm trọng là sự coi thường của bố mẹ có thể khiến con từ một đứa trẻ ngoan ngoãn thành người hỗn láo, ngông cuồng và gây hại cho xã hội.

Con làm bố/mẹ phát điên

Trẻ cần nhận thức được rằng lời nói và hành vi của mình có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên đổ lỗi cho chúng vì cảm xúc của bản thân mình. Vì vậy, ngay cả khi bạn tức giận và khó chịu, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, điều này sẽ cho con bạn thấy rằng bạn có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và giải thích cho chúng lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy.

Cảm xúc tiêu cực gây ra hậu quả lớn hơn ta vẫn nghĩ bởi không chỉ gây hại sức khỏe thể chất mà tùy mức độ còn khiến ta căng thẳng, mất tập trung, mất động lực sống, hành xử bạo lực, lạm dụng chất, giết người, tự sát... và phá vỡ các mối quan hệ xung quanh mà đặc biệt là với con cái.

Trong quá trình giao tiếp với trẻ, chúng ta nên cố gắng tránh nói những câu trên, đồng thời tôn trọng tính cách và quá trình phát triển của trẻ, dành cho con sự hỗ trợ, khuyến khích đầy đủ.

Chúng ta có thể cố gắng bày tỏ suy nghĩ và kỳ vọng của mình theo cách tích cực và nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như: “Bố mẹ tin con có thể làm tốt hơn, bố mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều”; “Đứa trẻ nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của mình, con cũng vậy. Nhưng chỉ cần con cố gắng, con chắc chắn sẽ tiến bộ”; “Dù con làm gì đi chăng nữa, bố mẹ đều sẽ luôn yêu thương và ủng hộ con. Nhưng bố mẹ cũng mong con có thể hiểu được những trăn trở và mong đợi của bố mẹ”…

Những gì cha mẹ nói với con mình thực sự đóng một vai trò rất quan trọng. Theo chuyên gia, tốt hơn hết nên tránh sử dụng một số cụm từ, câu nói nhất định vì chúng có thể có tác động tiêu cực đến con bạn cũng như sức khỏe tâm thần của chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.