Cầu Ngói chợ Thượng biến dạng sau khi trùng tu

Cầu Ngói chợ Thượng biến dạng sau khi trùng tu

“Sơn son thếp vàng” cho cây cầu cổ

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây rất nhiều địa phương đã tiến hành tu bổ, tôn tạo lại các công trình văn hóa, nhằm mục đích giữ gìn và phát huy những nét đẹp tinh hoa của thế hệ đi trước lưu truyền lại.

Cầu Ngói chợ Thượng trước khi trùng tu
 Cầu Ngói chợ Thượng trước khi trùng tu

Thế nhưng việc phục dựng đảm bảo yếu tố nguyên trạng so với di tích gốc là bài toán không dễ gì có lời giải nếu như thiếu đi sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính khiến cho việc tu sửa cây cầu Ngói cổ Thượng Nông chỉ mới vừa hoàn thành đã vấp phải sự phản đối của dư luận.

Theo xác nhận của chính quyền địa phương thì cây cầu cổ này nối liền hai bờ sông Ngọc, được đức bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Cung phi của chúa Trịnh tiến hành xây dựng vào thế kỷ XVIII. Công trình mang kiến trúc độc đáo “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu), toàn bộ phần khung gỗ lim được thiết kế cực kỳ hài hòa và chắc chắn trên bệ đá. Nổi bật phía trên là phần mái được lợp bằng ngói nam nhuốm màu thời gian.

Lối vào cửa Bắc của cây cầu trước đây
 Lối vào cửa Bắc của cây cầu trước đây

Cửa phía Nam và phía Bắc cầu được xây bằng gạch cao 2m. Hai hồi đều có đại tự đắp nổi bằng chữ Hán ghi rõ “Thượng Gia Kiều”. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng mà đến ngày hôm nay vẫn còn vẹn nguyên hình dáng vuông vức vốn có ban đầu.

Nhờ sự tính toán kỹ lưỡng bởi người xưa với một thiết kế tinh tế, hài hòa mà sau hơn 300 năm tồn tại, trải qua vô vàn biến cố lịch sử, bất chấp sự xói mòn của thời gian Thượng Gia Kiều vẫn đứng đó sừng sững hiên ngang và mang trong mình biết bao giá trị văn hóa. Đây không chỉ là niềm tự hào của những người dân địa phương mà còn là tài sản vô giá của đất và người Nam Định.

Cửa Bắc cầu Ngói sau khi được trùng tu
 Cửa Bắc cầu Ngói sau khi được trùng tu

Cuối năm 2019, Cầu Ngói chợ Thượng được Bộ VHTT&DL hỗ trợ 200 triệu đồng theo chương trình “Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020” để tu sửa phần mái đã xuống cấp. Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định giao UBND xã Bình Minh tiến hành tu sửa phần mái (thay ngói, rui, mè cũ) theo đúng hình mẫu được lưu trong hồ sơ di tích.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa chính quyền địa phương nhận thấy hai đầu cầu xuống cấp nên vận động kinh phí xã hội hóa rồi tự ý tu sửa. Phần da tường cũ được làm mới rồi sơn màu giả đá mà theo như nhiều người, thì đó là màu của các lăng mộ. Phần bậc thang bằng gạch cũng được thay mới bằng đá xanh, mài nhẵn, hoàn toàn không phù hợp với niên đại cũng như dáng dấp cổ kính của cây cầu.

Đáng tiếc nhất là các trụ đấu tại hai bên đầu hồi cũng được làm lại, phần chữ Thượng Gia Kiều so với bản gốc cũng không còn ở vị trí ban đầu và có phần sai lệch về đường nét văn tự Hán. Toàn bộ những hoa văn độc đáo được tính toán theo tỉ lệ tương xứng xưa kia sau khi tu sửa cũng không giữ lại được.

Rõ ràng việc địa phương tự ý tu sửa một di tích Quốc gia làm sai lệch nghiêm trọng so với bản gốc, dẫn đến Thượng Gia Kiều hôm nay mất đi dáng dấp cổ kính ban đầu. Một bậc cao niên trong làng phản ảnh: “Tôi không thể tưởng tượng được sao người ta lại có thể tiến hành tu bổ di tích một cách cẩu thả và tàn nhẫn như thế được”.

Khẩn trương trả lại thiết kế ban đầu

Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định cho biết: “Ngay khi cho người xuống kiểm tra thực tế, thấy cầu ngói chợ Thượng bị tu sửa như mới, sai so với nguyên trạng, làm mất hết hoa văn, màu sắc và dáng vẻ cổ kính... Sở đã yêu cầu phải ngay lập tức khắc phục, trả lại nguyên trạng di tích. Xã Bình Minh phải bỏ kinh phí ra làm lại. Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định sẽ giám sát việc sửa chữa này để đảm bảo các hoa văn, màu sắc của cầu ngói trở về đúng hình ảnh ban đầu”.

Những hoa văn trước đây đang được phục dựng lại
 Những hoa văn trước đây đang được phục dựng lại

Việc tiến hành sửa chữa trả lại nguyên trạng di tích đã được bắt đầu từ ngày hôm nay (19/2) và dự kiến kéo dài đến hết tuần. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngoài sự giám sát của một vị đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định thì  không thấy sự có mặt của chính quyền xã Bình Minh. Các đội thợ tiến hành phục dựng lại di tích cũng chỉ là người dân sinh sống tại địa phương, tay nghề không cao nên khó lòng có thể phục dựng lại được hết các chi tiết so với bản gốc.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Bình Minh ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: “Việc thi công được Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định chọn, giao cho Công ty TNHH Đào Trọng Tín thực hiện, chính quyền xã không trực tiếp chỉ đạo, tổ chức việc này”.

“Do chỉ có 200 triệu đồng nên phần kinh phí nhà nước cấp chỉ đủ để trùng tu 5/11 gian cầu, thay ngói mới phần phải thay, thay một số cột, kèo, rui mè. Những hạng mục còn lại như làm mới da tường, quét sơn giả  đá, xây mới bậc thềm, kè bờ sông... là do cộng đồng thôn Thượng Nông quyên góp, tổ chức thực hiện” – Ông Liêm cho biết thêm.

Thềm đá hai bên được hạ thấp xuống theo nguyên trạng ban đầu
 Thềm đá hai bên được hạ thấp xuống theo nguyên trạng ban đầu

Việc tự ý tu sửa lại cây cầu Thượng Gia Kiều mà bỏ qua các yếu tố lịch sử, thẩm mỹ và không tôn trọng bản gốc là điều khó có thể chấp nhận. Sự việc lần này còn gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm, của các cơ quan phụ trách chuyên môn văn hóa tại Nam Định cũng như huyện Nam Trực và xã Bình Minh về công tác bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa tại địa phương mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.