Câu chuyện xâm lăng văn hóa

GD&TĐ - Thời nào cũng vậy, văn hóa nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vừa qua, theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, các nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix và FPT Play đã gỡ bỏ phim truyền hình Trung Quốc “Hướng gió mà đi” (Flight to you) chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp cùng những lời thoại không phù hợp.

Trước đó, Cục Điện ảnh đã ra quyết định cấm chiếu phim “Barbie” bởi hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện nhiều lần trong phim. Quyết định này được dư luận trong nước đồng tình ủng hộ.

Cũng liên quan tới đường lưỡi bò, đơn vị tổ chức show Black Pink tại Hà Nội bị lên án mạnh mẽ để hình ảnh đường lưỡi bò trên website của họ. Nhiều người còn kêu gọi tẩy chay đêm nhạc này.

Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong các sản phẩm văn hóa nói chung, trong phim ảnh nói riêng không phải là câu chuyện mới ở nước ta, song đó luôn là câu chuyện nóng. Một số bộ phim như “Thợ săn cổ vật”, “Everest: Người tuyết bé nhỏ”, “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Bà ngoại trưởng”… từng bị cấm chiếu cũng vì những lý do tương tự.

Đây là những quyết định chính xác, được dư luận đồng tình ủng hộ. Bởi chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất cứ người Việt Nam nào cũng mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ giữ gìn từng tấc đất biên cương.

Còn nhớ năm 2019, nhóm nghệ sĩ Việt Nam được mời sang Trung Quốc tham gia một triển lãm nghệ thuật đương đại. Khi phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong poster của triển lãm, các nghệ sĩ Việt đã kêu gọi tẩy chay triển lãm, yêu cầu ban tổ chức loại bỏ “đường lưỡi bò” khỏi các poster cùng mọi tài liệu của triển lãm. Ban tổ chức đã phải đáp ứng yêu cầu này.

Thời nào cũng vậy, văn hóa nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước. Đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng là một cuộc đấu tranh thầm lặng, dai dẳng và không kém phần quyết liệt.

Trong bối cảnh toàn cầu hôm nay, khi Internet cùng công nghệ thực tế ảo phát triển, văn hóa nghe nhìn và nghệ thuật thị giác lên ngôi, thì câu chuyện xâm lăng văn hóa càng trở nên phức tạp, tinh vi, với nhiều diễn biến khó lường.

Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ văn hóa dân tộc trước làn sóng tấn công từ các nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm văn hóa nhập khẩu càng trở nên bức thiết, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi tương lai đất nước thuộc về họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Có một nhận thức sâu sắc, một ý thức tự thân cùng khát vọng dân tộc tự cường chính là chất kháng thể, là sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để chúng ta đối diện và chuyển hóa những khó khăn trở thành thuận lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.