Câu chuyện vốn cho Đề án kiên cố hóa trường lớp học

Câu chuyện vốn cho Đề án kiên cố hóa trường lớp học
Đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra một điểm trường ở Yên Bái triển khai xây dựng, kiên cố hoá lớp học. Ảnh: VGP/Từ Lương
Đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra một điểm trường ở Yên Bái triển khai xây dựng, kiên cố hoá lớp học. Ảnh: VGP/Từ Lương

Nhắc đến vốn dành cho kiên cố hóa trường, lớp học, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh gia đình nghèo đông con mà phải chi tiêu rất nhiều. Tuy vậy, mỗi phòng học khang trang được xây mới, mỗi căn nhà công vụ được sửa sang luôn làm ấm lòng không chỉ các em học sinh, giáo viên mà cả người dân ở những thôn bản xa xôi, gian khó.

Sau 10 năm triển khai Đề án Kiên cố hoá trường lớp học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cả nước đã có thêm hàng nghìn phòng học, nhà công vụ mới cho học sinh, giáo viên thay thế những lớp học tranh tre, nứa lá, nhà tạm… ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giữ chân học sinh, thuyết phục giáo viên đứng lớp.

Nhu cầu bức thiết

Đến thăm Trường Dân tộc Nội trú Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, trong những ngày cuối tháng 4/2013, chúng tôi được chứng kiến một không khí thật vui vẻ trong giờ giải lao, khi các cô bé, cậu bé người dân tộc Giẻ Triêng, Rơ Ngao… náo nức xúm quanh tấm bảng thông tin về hoạt động của trường tuần qua vừa được thay mới bằng các bức ảnh về liên hoan nghệ thuật, thể thao chào mừng ngày 30/4 và 1/5. Tấm bảng được treo ngay sảnh của dãy phòng học 2 tầng khá khang trang.

Cô Hiệu trưởng Đặng Thị Quế tâm sự: “Trường mới tổ chức được bảng thông tin này. Các em rất thích vì đó là những bức ảnh về các hoạt động tập thể do chính các em thực hiện mỗi tuần”.

Dãy phòng học 2 tầng mới được xây dựng từ chương trình kiên cố hóa trường học của huyện Đăk Tô thay cho dãy nhà cấp bốn 5 phòng lợp tôn xuống cấp. Có phòng học mới, trường đã tuyển thêm một lớp, tăng 30 em so với năm học 2011-2012. Cũng nhờ dãy phòng học nay, 300 trẻ em dân tộc Xê Đăng, Rơ  Ngao… từ những xã cách xa trung tâm huyện 15-35km được bước vào môi trường học tập mới, không phải lo mang cơm đùm cơm nắm, khỏi lo mùa mưa ướt vở, mùa khô gió Lào.

Điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, chắc chắn các em có sức khỏe tốt hơn, sẽ yêu trường, yêu lớp, yêu cái chữ và gắn bó với thầy cô hơn.

Những năm gần đây, Trường Dân tộc Nội trú Đăk Tô đều có 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và 25% thi đỗ đại học nguyện vọng 1 vào Đại học Đà Lạt, Đại học Sư phạm Quy Nhơn… Số còn lại theo học các hệ cao đẳng, trung cấp, cử tuyển.

"Nếu có thêm phòng học, trường sẽ tuyển thêm nhiều học sinh vì còn rất nhiều đồng bào ở xa muốn con em vào học tại trường", cô Quế bày tỏ.

Cũng từ Đề án kiên cố hóa này, trường có thêm điều kiện tổ chức phòng thiết bị và phòng học bộ môn, nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh dân tộc nội trú, có thể phần nào so sánh với các địa bàn thuận lợi dưới xuôi.

Niềm vui giản dị và chân thành khi có thêm phòng học mới của cô và trò trường dân tộc nội trú Đắk Tô cũng chính là nguyện vọng bức thiết thay thế các phòng học tạm, xuống cấp, có được cơ ngơi kiên cố, khang trang của lãnh đạo tỉnh KonTum.

Ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết cả tỉnh vẫn đang thiếu khoảng 1.180 phòng học và hơn 750 nhà công vụ giáo viên. Với số vốn dành cho kiên cố hoá trường học mà tỉnh được giao cả giai đoạn 2008-2012 là hơn 210 tỷ đồng, nếu được cấp đủ cũng chỉ xây dựng được khoảng 800 phòng học và 500 nhà công vụ giáo viên, bằng 60% nhu cầu. Và với tiến độ giải ngân hiện nay, tỉnh Kon Tum mới hoàn thành gần 520 phòng học và 275 nhà công vụ giáo viên, bằng 1/3 nhu cầu thực tế .

Không chỉ với tỉnh Kon Tum, qua khảo sát toàn diện về nhu cầu trường lớp, địa phương “hàng xóm” là tỉnh Gia Lai cung có nhu cầu phải xây mới, kiên cố hóa hơn 1.570 phòng học và gần 1.410 nhà công vụ giáo viên. Nhưng đến nay, nguồn vốn mà đề án Chương trình kiên cố hóa phân bổ cho tỉnh giai đoạn 2008-2012 là hơn 290 tỷ đồng, không đủ để tỉnh hoàn thành số phòng học và nhà công vụ giáo viên theo nhu cầu thực tế.

Đến nay, tỉnh Gia Lai được cấp từ trái phiếu Chính phủ (TPCP) gần 156 tỷ đồng, chiếm 79% và ngân sách địa phương hơn 40 tỷ đồng, bằng 21%. Như vậy tổng kinh phí mới đạt gần 198/290 tỷ đồng, bằng 68%. Tỉnh cũng mới chỉ đưa vào xây dựng được gần 750/1.570 phòng học, bằng gần 48% và 690/1.410 nhà công vụ giáo viên, bằng 49%. Trên thực tế cũng mới hoàn thành gần 240 phòng học và gần 210 nhà công vụ giáo viên, chỉ bằng khoảng 1/5 so với nhu cầu thực tế.

Do sự bức thiết cần phải đủ phòng học và nhà công vụ giáo viên nên tại các huyện, thị xã trong tỉnh, chủ đầu tư đã triển khai thi công nhiều công trình trong đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí.

Còn nhiều trăn trở

Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện hơn 10 năm qua (từ năm 2002).

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong đó có vai trò tích cực của Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên (Ban Chỉ đạo) là Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2008-2012, đây là một trong những đề án sử dụng TPCP hiệu quả và chất lượng với 98,4% vốn được các địa phương chi đúng mục tiêu; tỷ lệ giải ngân vốn trung bình của các địa phương liên tục giữ ở mức trên 90%.

Tính từ năm 2008 đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức giao ban 11 lần với tất cả các địa phương để đôn đốc tiến độ của Đề án. Từ những buổi làm việc qua mạng cũng như giao ban trực tiếp, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết kịp thời từ đó đẩy nhanh tiến độ của Đề án với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả nhất.

Ban Chỉ đạo đã có 17 văn bản báo cáo về kết quả triển khai Đề án. Những địa phương có tiến độ giải ngân chậm hoặc gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo sẽ trực tiếp đến kiểm tra và giúp tháo gỡ. Ngay từ giai đoạn đầu, Chính phủ khẳng định khuyến khích những nơi giải ngân nhanh bằng việc ứng trước vốn.

Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất-Thiết bị Trường học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết tổng nguồn vốn từ TPCP dành cho đề án trong 5 năm là không thay đổi, trong khi đó, biến động về giá vật liệu xây dựng đã làm suất đầu tư mỗi phòng tăng cao.

Vì vậy, để đạt hiệu quả, chủ trương của Chính phủ là tập trung nguồn TPCP và vốn địa phương theo từng năm, lên kế hoạch xây dựng theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào suất đầu tư tại thời điểm xây dựng trên nguyên tắc tiết kiệm nhưng phải đảm bảo mục tiêu kiên cố hóa để kịp đưa các phòng học và nhà công vụ giáo viên vào sử dụng.

Tiếc rằng vẫn còn một số ít địa phương lại triển khai đầu tư xây dựng một cách dàn trải nên việc đưa các công trình vào sử dụng chậm trễ, kéo dài, thậm chí có địa phương còn giảm suất đầu tư đến mức phòng học không đạt yêu cầu kiên cố hóa. Do vậy, dẫu có tiêu hết tiền thì vẫn không đủ số phòng học mới như mục tiêu ban đầu. "Vẫn còn nhiều phòng học tạm, tranh tre nứa lá, xuống cấp… đang cần được xây mới mà Đề án chưa giải quyết được do thiếu vốn", ông Trần Duy Tạo trăn trở.

Ông Trần Duy Tạo đề nghị để đáp ứng những gì người dân đang cần, các nhà hoạch định chính sách nên tính tới cơ chế bổ sung vốn TPCP mỗi năm, bên cạnh việc cấp đủ nguồn vốn như cam kết ban đầu.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ