Câu chuyện sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Giáo dục và giáo dục hòa nhập là quyền của trẻ khuyết tật được pháp luật công nhận.

Học sinh khiếm thị Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tham gia buổi tập huấn an toàn trên không gian mạng. Ảnh: Viện ACDC
Học sinh khiếm thị Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tham gia buổi tập huấn an toàn trên không gian mạng. Ảnh: Viện ACDC

Thầy cô hết lòng vì trò

Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 1, các giáo viên trong tổ khiếm thị thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng vừa dạy học vừa thực hiện công tác tự chuyển ngữ sách giáo khoa sang chữ nổi. Cô Đỗ Thị Quyên - Giám đốc Trung tâm - chia sẻ: Việc chuyển ngữ bộ sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018 sang chữ nổi chỉ khó khăn về mặt hình ảnh. Sách giáo khoa của Chương trình mới lại có nhiều hình ảnh. Thời điểm đó, Trung tâm chưa có máy in lazer nên để làm nổi hình ảnh, các thầy cô buộc phải sử dụng dao lam để cắt ghép.

“Thời điểm dịch Covid-19, học sinh tạm dừng đến trường, các giáo viên đều tập trung chuyển ngữ sách giáo khoa và hoàn thiện phần hình ảnh để khi học sinh trở lại trường, thầy cô chỉ tập trung vào công tác giảng dạy”, cô Quyên cho biết.

Có không ít thầy cô đã bị thương trong quá trình cắt ghép hình ảnh do dao lam cứa vào tay. Để học sinh khiếm thị hình dung được các hình minh họa, giáo viên phải rất sáng tạo trong tạo hình. Ví dụ như hình minh họa bà cụ, thầy, cô giáo sử dụng sợi len để làm tóc, mắt thì vẽ hình sẵn trên giấy nhám rồi cắt, dán vào mô hình để học sinh có thể sờ và cảm nhận được.

Do tất cả hình minh họa trong sách giáo khoa đều được làm thủ công nên ngoài giáo viên tổ khiếm thị, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập còn huy động nhân lực ở các tổ khác cùng tham gia hỗ trợ.

Hai năm học trở lại đây, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giao nhiệm vụ cùng với các trung tâm, trường có học sinh khiếm thị trên cả nước tham gia chuyển ngữ sách giáo khoa của Chương trình GDPT mới sang hình nổi. Theo đó, bộ sách giáo khoa lớp 1 - 2 - 3, Trung tâm nhận chuyển ngữ 4 môn gồm Toán, Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm và Đạo đức.

Lớp 6, các thầy, cô giáo được giao nhiệm vụ chuyển sang chữ nổi các đầu sách Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục công dân. Những đầu sách sau khi chuyển ngữ sẽ được chuyển về Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt quốc gia, trở thành tài nguyên sử dụng chung cho các cơ sở giáo dục dành cho trẻ khiếm thị trong toàn quốc. Cuối mỗi năm học, Trung tâm sẽ gửi danh sách học sinh cần nhận sách về Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt quốc gia để nhận lại sách chữ nổi theo Chương trình GDPT 2018 hoặc file PDF để tự in ấn.

Khó khăn nhất trong việc chuyển ngữ sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018, theo cô Đỗ Thị Quyên, là ở khâu in ấn và thiết kế hình ảnh. “Chữ thì giáo viên đánh được và cũng có phần mềm chuyển ngữ chứ hình ảnh nổi thì phải làm thủ công vì Trung tâm không có kinh phí mua máy in nổi. Rất may, một năm trở lại đây, Trung tâm được tài trợ máy cắt lazer nên không phải sử dụng dao lam như trước đây. Vẽ hình trên máy tính thì không phải thầy cô nào cũng vẽ được vì phải có chuyên môn về đồ họa nên mất thời gian.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng hiện có 2 máy in chữ nổi. Tuy nhiên, máy in nhiệt dùng để in hình đã có thời gian sử dụng gần 20 năm, thường xuyên phải gửi mua linh kiện để thay thế. “Thậm chí, các thầy cô còn sáng tạo, mua bếp điện rồi tháo bộ phận may so, lắp vào máy in nhiệt cho nóng lên để in. Lần đầu, chỉ 1 dây may so nên không đủ nhiệt độ, lại phải lắp thêm 2 cái mới đủ độ nóng để in”, cô Đỗ Thị Quyên kể.

Trẻ vui chơi trong khuôn viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Sóc Trăng. Ảnh: CTV

Trẻ vui chơi trong khuôn viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Sóc Trăng. Ảnh: CTV

Dạy học theo nhu cầu học sinh

Trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) sử dụng tài liệu của Trung tâm tật học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam biên soạn để dạy học sinh khuyết tật trí tuệ. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Quy cho biết, kể từ khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới, nhà trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống cho học sinh các lớp 1 - 2 - 3.

“Các thầy, cô giáo sẽ căn cứ vào mức độ tiếp nhận của học sinh để giảm tải một số nội dung kiến thức cũng như yêu cầu đạt được. Có những bài, với học sinh thường, theo phân phối chương trình, chỉ dạy trong 1 tiết nhưng trẻ khuyết tật, thầy cô phải dạy từ 2 - 3 tiết hoặc nhiều hơn thế”, thầy Nguyễn Duy Quy trao đổi.

Hiện, các trường chuyên biệt đều không có chương trình dạy – học thống nhất. Có một số trường sử dụng sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018 và “gia giảm” một số kiến thức, kỹ năng. Thầy, cô giáo tự xây dựng tiêu chí đánh giá học sinh dựa trên khả năng tiếp nhận, tình trạng sức khỏe, tinh thần. Vì vậy, theo thầy Quy, nếu có một chương trình – sách giáo khoa để các trường chuyên biệt dùng chung thì rất thuận tiện trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy học.

Chương trình, sách giáo khoa cho trẻ em khuyết tật chưa được hoàn chỉnh. Bước đầu chỉ mới xây dựng được chương trình khung cho bậc tiểu học dành cho trẻ khiếm thị và khiếm thính, bậc THCS áp dụng chương trình khung của hệ bổ túc THCS. Chưa có chương trình dành riêng cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ