Triển lãm "Tôi là Mai Đại Lưu - I am Mai Dai Luu" của họa sĩ Mai Đại Lưu sẽ khai mạc vào 18h ngày 25/7/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, kéo dài đến hết ngày 29/7/2020.
Mai Đại Lưu sinh năm 1983 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2011, tốt nghiệp cao học ngành mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Từ năm 2009 đến nay, Mai Đại Lưu tham gia nhiều triển lãm nhóm. Năm 2017, Mai Đại Lưu từng tổ chức triển lãm cá nhân "Bay trên bầu trời" tại V-Art.
Những bức tranh trong triển lãm "Tôi là Mai Đại Lưu - I am Mai Dai Luu" vẽ nhiều đề tài khác nhau, nhưng phần lớn đề cập đến những vấn đề lớn của con người, như chủng tộc, tôn giáo, hòa bình, trẻ em… Nhưng họa sĩ không vẽ hiện thực như những gì chúng ta nhìn thấy, mà vẽ theo lối biểu hiện, đôi khi có tính giễu nhại hài hước.
Trong tranh của Mai Đại Lưu, thường sẽ là những mặt người, những cơ thể người trần trụi, những con thú, và nhiều khi là những hình dạng nửa thú nửa người. Mỗi bức tranh là một thông điệp họa sĩ muốn gửi gắm: "Những bông hoa nhỏ" nói về vấn đề tôn giáo, chủng tộc; "Ước mơ - Bầu trời xanh" nói về cảm giác lo sợ của con người trong thế giới mang danh nghĩa hòa bình; "Trái đất - Thế giới của chúng em" đề cập đến vấn đề màu da; "Chúa trong rừng sâu" nói về sự chưa hoàn thiện của những con người tưởng như vĩ đại; "Thư gửi bố mẹ" nói về ước mơ của những đứa trẻ bị bỏ rơi…
Mai Đại Lưu quan niệm tác phẩm nghệ thuật phải chạm đến cảm xúc của người xem. Vậy nên anh đã vẽ bằng tất cả cảm xúc của mình, để mong những cảm xúc đó thông qua màu sắc đến được với trái tim công chúng.
Về những tác phẩm của họa sĩ Mai Đại Lưu, KTS Bảo Phan viết:
"Nghệ thuật của Mai Đại Lưu là một hành động vô tư, gần như lơ đãng, không quá câu nệ về tính hàn lâm. Các tác phẩm của Lưu chuyển tải âm vang của một khối cảm xúc không thể định hình bằng ngôn từ, đó chính là cách Lưu biểu lộ con người của mình như cách mà Triết gia Ralph Waldo Emerson viết trong tiểu luận "The poet": "Con người chỉ là một nửa, nửa kia chính là sự biểu lộ của hắn".
Lưu không biểu hiện như cách chúng ta vẫn thường thấy trong hội họa của anh nhưng anh chỉ muốn biểu lộ nửa kia của mình để thoát ra khỏi hội họa truyền thống vậy thôi. Tôi không thể quan niệm được về Mai Đại Lưu nếu không thấy được biểu lộ của anh qua hội họa.
Lưu sáng tạo bởi cái "bức thiết bên trong" của anh, để nói ra nỗi niềm của anh. Nỗi niềm chính là bức tranh đẹp nhất của con người. Nhà bình luận và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Thái Bá Vân viết trong "Tiếp xúc với nghệ thuật" rằng: " Không có một bức tranh đúng sai, không có một bài thơ tốt, xấu, mà chỉ có một bức tranh đẹp một một bài thơ đẹp. Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tụy đi tìm Cái Đẹp, và khi đã đến đẹp, thì chân, thiện đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó" .
Với tư cách là một người yêu mến và sở hữu nhiều tác phẩm của Lưu, tôi được chứng kiến các tác phẩm của Lưu ra đời từ những xung động sáng tạo và sự tận tụy. Với riêng tôi, sự tận tụy trong nghệ thuật của Lưu là điểm chạm đến tất cả những ai yêu hội họa của Lưu và cả những ai chưa yêu."