Câu chuyện cảm động phía sau clip học sinh òa khóc khi chia tay thầy giáo

GD&TĐ - Hành trang chuyển trường về xuôi sau 13 năm dạy học ở vùng núi cao của thầy Nguyễn Ngọc Duy (Quảng Ngãi) là những cái ôm không rời của HS.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Duy cùng học sinh trong một hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại lớp học. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Duy cùng học sinh trong một hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại lớp học. Ảnh: NVCC

Ngày 14/10, thầy Nguyễn Ngọc Duy (38 tuổi) chính thức nhận công tác tại Trường Tiểu học Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). 13 năm dạy học, thầy Duy gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên của huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nên, khi vì hoàn cảnh gia đình, phải xin chuyển công tác về đồng bằng, thầy Duy mang nhiều day dứt.

Trên trang facebook cá nhân, thầy Duy viết: “Tròn 13 năm trên một mảnh đất đầy yêu thương, nơi bản thân đã cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của một con người. Nơi đã cho mình đầy những kỷ niệm yêu thương, những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm, kinh nghiệm… Sẽ nhớ những mùa mưa gió, những lúc cùng nhau chia sẻ gói mì, những cuộc tranh luận không bao giờ hết và nhiều nữa những kỷ niệm…

Xin lỗi vì đã không thể tiếp tục cuộc hành trình cùng giáo dục Sơn Liên. Xin lỗi lớp 4B vì đã không cùng các em đi đến hết cuộc hành trình. Không gì hơn, kính chúc các anh chị em Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên, các anh chị em đồng nghiệp Sơn Tây và những người bạn, người anh chị em Sơn Tây lời chúc sức khỏe, thành công. Hẹn gặp lại…”.

Học sinh khu nội trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên òa khóc khi chia tay thầy Nguyễn Ngọc Duy.

Tối 10/10, trước khi về xuôi, thầy Nguyễn Ngọc Duy đến khu nội trú của trường để tạm biệt học trò và có vài lời căn dặn riêng học sinh lớp 4B mình đang chủ nhiệm. Nhưng không ngờ học sinh khu nội trú đã tập trung sẵn ở đó. Các em òa khóc và ôm chầm lấy thầy, khiến thầy Duy cũng không cầm được nước mắt.

Sơn Liên là địa bàn khó khăn, cách trở nhất của huyện Sơn Tây. Trước khi chưa có mô hình bán trú, học sinh ở lại trường, giáo viên đều phải luân phiên nhau dạy học ở các điểm trường lẻ tại thôn bản. Quãng đường từ điểm trường chính đến các điểm lẻ của thầy Duy và nhiều đồng nghiệp thường là những con đường bùn đất nhão nhoẹt, trơn trượt vào mùa mưa, bụi mù vào mùa hè. Những lần nước suối dâng cao bất ngờ do mưa lũ từ trên nguồn đổ xuống, buộc phải quay trở lại trường rồi bị cô lập hàng tuần… Cũng không hiếm lần lội qua những con suối chảy xiết, vào làng đón học sinh đến trường để các em không phải nghỉ học dài ngày…

thay-duy-chia-tay-hoc-sinh-quang-ngai-848.jpg
Thầy Nguyễn Ngọc Duy cùng với học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên

Mấy năm trở lại đây, Sơn Tây chủ trương giảm tối đa việc duy trì điểm trường lẻ. Với những điểm trường mà khoảng cách không quá xa, đường sá thuận tiện, huyện đã chủ trường đưa học sinh về điểm trường trung tâm để tổ chức bán trú, cuối tuần học sinh mới về nhà. Ngoài dạy học, thầy cô còn chăm sóc cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, duy trì nề nếp, nội quy, rèn các kỹ năng tự phục vụ… Vì vậy, học sinh cũng gần gũi, gắn bó với thầy cô giáo hơn.

Thầy Duy bộc bạch: “Có lẽ các em cảm nhận được những tình cảm, sự quan tâm của tôi nói riêng đối với các em và thầy cô giáo nhà trường nên đã khóc khi thầy giáo chuyển công tác về đồng bằng”.

Thầy Duy cho biết, nhất định sẽ thường xuyên ghé về thăm trường, thăm học trò. Tôi vẫn dặn dò và mong mỏi học sinh của mình phải nỗ lực học tập thật tốt để có tương lai tương sáng hơn. “Lâu nay, khi dạy học ở Sơn Liên, tôi vẫn thường kết nối với anh em, bạn bè để xin lại sách giáo khoa, đồng phục, giày dép… đã qua sử dụng cho học sinh của mình. Việc làm này tôi sẽ vẫn duy trì, như là một cách để chia sẻ cho học trò, đồng nghiệp của mình” - thầy Duy cho biết.

Nhận công tác tại Trường Tiểu học Nghĩa Hà, thầy Nguyễn Ngọc Duy được phân công chủ nhiệm lớp 3. "Môi trường dạy học mới nên chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi xác định phải nhanh chóng làm quen với học sinh, sớm thích nghi để tổ chức dạy - học hiệu quả. Phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng sẽ khác, ví dụ như mức độ tiếp thu của học sinh cao hơn thì các bài tập đi kèm cũng phải yêu cầu khác hơn so với cách dạy trước đây" - thầy Duy ví dụ.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên cho biết rất xúc động trước cảnh học trò bật khóc, vây kín khi thầy Duy đến khu nội trú chia tay các em. Đây là minh chứng sinh động cho tình cảm gắn bó giữa thầy và trò và cũng là hạnh phúc của những ai chọn theo nghề dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ