‘Mốt’ thích ở cùng người lạ
Gần đây, ra ‘ở riêng’ được xem là một trào lưu trong giới trẻ thành thị thể hiện quyết tâm sống độc lập với gia đình. Tuyên bố là sống tự lập nhưng trước khi dọn ra ngoài, nhiều cô ấm, cậu chiêu được trang bị đến tận răng. Và thay vì ở cùng bạn bè, người quen, họ muốn thử cảm giác ở cùng người lạ.
Cũng vì muốn con cái tự lập hơn, nhiều ông bố bà mẹ đành tặc lưỡi đồng ý. Do sống trong sự bao bọc của bố mẹ quá lâu, những ‘chú gà công nghiệp’ đã gặp phải nhiều chuyện dở khóc dở cười. Chỉ sau một ngày ‘ra riêng’, họ đã phải khăn gói về với bố mẹ vì đồ đạc trong phòng ‘tự nhiên’ không cánh mà bay hay bị bạn cùng phòng sàm sỡ, moi sạch tiền…
Thấy hội ‘con nhà giàu’ đòi ra ở riêng, Nguyễn Minh Q., con một đại gia trong ngành bất động sản ở TP.HCM cũng đua đòi, bắt chước. Trước khi ‘ra riêng’ ở một căn hộ chung cư, Q. yêu cầu bố mẹ mua sắm cho tivi, tủ lạnh, máy giặt... Q. còn tuyên bố hùng hồn sẽ không sống một mình, không ở cùng người quen mà sẽ tìm một người lạ, hoàn toàn không biết gì về gia đình, tính cách… của Q.. Theo Q., sống với người lạ sẽ giúp cậu học được nhiều kỹ năng sống hơn.
‘Sau nhiều ngày lang thang tại các cổng trường đại học dán tờ rơi tìm người ở ghép, cuối cùng tôi cũng tìm được một người ưng ý. Người này tên Hùng, vừa đi học vừa đi làm thuê kiếm tiền nuôi em ăn học, mẹ già bị bệnh. Nghe Hùng nói hoàn cảnh như thế, tôi nghĩ mình có thể học hỏi ở Hùng nhiều điều. Tôi cũng không ngại dốc bầu tâm sự với bạn cùng phòng. Sau hai đêm trò chuyện, Hùng nói mẹ già ở quê đang cần tiền chữa bệnh gấp, ngỏ ý muốn mượn của tôi hơn chục triệu đồng’, Q. kể.
Từ ngày có Hùng làm bạn, Q. bắt đầu xin tiền bố mẹ nhiều hơn. Q. phát hiện ra hình như Hùng rất thích người cùng giới. Anh ta chỉ chơi với con trai và thường xuyên nhìn trộm Q. tắm, thay quần áo… Cũng theo lời kể của cậu ấm Q., thấy Q. dễ tính, Hùng còn hỏi mượn cả quần áo, giày dép để đi sinh nhật bạn. ‘Khi tôi phát hiện ra mình là ‘gà’ thì đã quá muộn. Một lần, tôi đi phượt miền Tây cùng hội bạn, khi về nhà, tôi ngỡ ngàng khi đồ đạc trong nhà đều biến mất. Trên bàn có tờ giấy ghi lời nhắn của Hùng rằng vì cần tiền có việc gấp nên đã mang đồ đi cắm. Khi nào có tiền, Hùng sẽ quay lại trả. Trước khi ở ghép, tôi bắt Hùng phô tô thẻ sinh viên trường hắn đang học. Tuy nhiên, khi tôi mang bản phô tô đến trường để hỏi thì nhà trường nói rằng đó là thẻ giả. Tôi định đi báo công an nhưng sợ bạn bè chê cười nên thôi. Sau này tôi mới biết Hùng là người đồng tính. Của cải vật chất tôi không tiếc, chỉ tiếc là mình đã quá tin người. Coi như đó là bài học đầu đời cho tôi’, Q. chua xót nói.
|
Ảnh : Khi ‘tự lập’ cùng người lạ cần phải cảnh giác. |
Ở ghép sinh... trái đắng
Không khác gì hoàn cảnh của cậu ấm Q., Cẩm Vân (19 tuổi, Đà Nẵng), một trong số những tiểu thư chính hiệu cũng chia sẻ với chúng tôi về ‘kinh nghiệm đau thương’ khi ra ở riêng, ‘tự lập’ cùng người lạ. ‘Khi mình tuyên bố sẽ sống tự lập, tìm một người hoàn toàn xa lạ ở cùng, bố mẹ và các bạn đều phản đối. Do mình quá quyết tâm nên sau hơn một tháng ‘chiến tranh’, bố mẹ cũng phải gật đầu. Sợ mình khổ, bố mẹ sắm đủ mọi thứ từ giường tủ đến máy giặt, tủ lạnh, điều hòa… Mình không chọn bạn cùng lớp, cũng chẳng cần đám bạn chơi thân đến ở hay giới thiệu ai, lên mạng là đầy người đăng tin muốn ở ghép. Chỉ sau hai ngày, một cô gái dễ thương quê Quảng Bình gọi điện đến xin được ở cùng. Chúng mình tuân thủ theo một nguyên tắc, chỉ ở cùng nhà với nhau chứ không được can thiệp vào cuộc sống riêng của nhau’, Cẩm Vân nói.
Đang hài lòng với sự lựa chọn của mình, Vân không ngờ được rằng, bạn cùng phòng của mình từng có một đời chồng và hiện tại đang cặp với một người đã có vợ. Thậm chí, bị vợ của bồ phát hiện ra mối quan hệ vụng trộm, cô bạn này còn tuyên bố quyết cướp chồng người. Vân nói: ‘Hôm trước, bạn ấy bị người đàn ông đó đánh cho một trận tơi bời ở ngay phòng của mình. Không những thế, cô bạn ở ghép ngày càng quá đáng. Tất cả các loại đồ dùng sinh hoạt cá nhân đến cả xà phòng rửa tay, lọ đựng gia vị... hết đều do Vân bỏ tiền mua. Thậm chí, nhiều khi cô bạn này còn dùng trộm, lấy trộm mỹ phẩm của Vân. ‘Cô ta mất đồ đạc gì là lại làm ầm ĩ lên, có ý nghi ngờ mình lấy. Còn mình khi mất đồ thì cô ta lại nói rằng mình đã bỏ quên ở đâu. Hối hận với quyết định ‘tự lập’ với người lạ nhưng mình không dám gọi điện về nhà vì đã lỡ ‘mạnh mồm’ với bố mẹ’.
Trước việc nhiều cô chiêu, cậu cấm nhất quyết muốn thoát khỏi vỏ bọc mình là con nhà giàu, ra ngoài ‘tự lập’ cùng người lạ và gặp không ít chuyện dở khóc dở cười, trao đổi với PV, thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM cho rằng: ‘Sống trong nhung lụa quá nhiều nên cô chiêu, cậu ấm muốn khám phá cũng là điều dễ hiểu. Họ thường nêu những lý do muốn trải nghiệm cuộc sống tự lập, thoát khỏi sự bao bọc của cha mẹ. Có người ở riêng để tự do ăn chơi, thích gì làm nấy, không bị ai kiểm soát…
Tuy nhiên, suy nghĩ muốn ở ghép cùng người lạ là cực kỳ nguy hiểm. Tình bạn muốn xây dựng được cần phải có cơ sở và thời gian bởi xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, rất nhiều người họ sống bằng vỏ bọc bên ngoài. Có rất nhiều vụ lừa đảo, trộm cắp khi ở ghép cùng người lạ. Bên cạnh đó, khi ở ghép, nhiều người lại có tính cách, giờ giấc sinh hoạt khác nhau nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Vì thế, khi con trẻ có ý định ra ở riêng, cha mẹ không chỉ rèn giũa cho con ý thức tự lập, các kỹ năng mềm cho con mà còn phải sát cánh, tư vấn giúp con có thể đương đầu với những sóng gió’…
Cần ‘thử’ sự trung thực
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (trung tâm tư vấn Tâm Linh), hiện nay rất nhiều kẻ lưu manh lợi dụng ở ghép để trộm cắp, lừa gạt, chiếm đoạt tài sản. Vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, các bạn trẻ cần quan sát, thậm chí là thử sự trung thực, thật thà của người khác trước khi đưa quyết định ở ghép.
MAI HẰNG
Xem thêm video: