Một số công ty đang nỗ lực phát triển “máy bay kích cỡ xe hơi có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng”, còn được viết tắt là VTOL. Phương tiện này có thể vận chuyển hành khách ra khỏi đường phố ùn tắc bên dưới; bay với tốc độ hơn 100 dặm mỗi giờ (160 km) và hạ cánh xuống được các không gian nhỏ giữa đô thị đông đúc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, loại phương tiện này có thể giảm phát thải khí nhà kính của ba người xuống một nửa trong mỗi chuyến đi 100 km, mặc dù phần lớn lượng cắt giảm này đến từ giả định rằng, hành khách sẽ sẵn sàng chia sẻ chuyến đi với người khác trong xe.
“Đáng ngạc nhiên khi thấy rằng, VTOL có thể cạnh tranh về mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong các trường hợp nhất định” - ông Greg Keoleian từ Trung tâm Hệ thống bền vững của ĐH Michigan cho biết: “VTOL với lượng khách tối đa có thể vượt trội hơn so với ô tô trên mặt đất cho các chuyến đi dài, chẳng hạn như từ San Francisco đến San Jose hay từ Detroit đến Cleveland”.
Các học giả làm việc với các nhà nghiên cứu tại hãng sản xuất ô tô Ford, đã phát hiện ra rằng VTOL cần số năng lượng lớn để cất cánh, nhưng chúng lại hiệu quả về năng lượng hơn so với ô tô một khi bắt đầu bay.
Vậy nên, chúng sản sinh ra nhiều khí thải hơn so với phương tiện giao thông đường bộ trong các chuyến đi ngắn, nhưng có hiệu quả cao hơn trên quãng đường dài, theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications.
Các nhà nghiên cứu cũng lập luận rằng, mỗi chỗ ngồi trên một chiếc taxi bay có thể sẽ được bán riêng như ghế máy bay, có nghĩa là chúng thường sẽ kín chỗ chứ không như xe hơi, vốn thường có số lượng khách ngồi trung bình là 1 - 2 người, bất chấp số lượng ghế. Họ cho biết, một chiếc taxi bay chở một phi công và ba hành khách có thể thực hiện chuyến đi dài 100 km trong khoảng 27 phút.
Nó sẽ tạo ra lượng khí nhà kính ít hơn khoảng 52% từ mỗi hành khách so với hai phương tiện chạy bằng xăng thực hiện cùng một hành trình bằng đường bộ; ít hơn 6% so với hai chiếc xe điện, theo các nhà nghiên cứu tính toán. Tuy nhiên, nếu VTOL chỉ chở 1 người, mức cắt giảm khí thải sẽ giảm xuống chỉ còn 35% so với một chiếc xe chạy bằng xăng; thậm chí còn phát thải nhiều hơn 28% so với một xe điện.
Bất chấp sự hấp dẫn của những chiếc ô tô bay, theo chuyên gia Jemilah Magnusson thuộc Viện Chính sách Giao thông và Phát triển: “Một cách hiệu quả và dễ dàng hơn nhiều để cải thiện tình trạng tham gia giao thông bằng ô tô đường dài, là cung cấp dịch vụ tùy chọn về phương tiện công cộng, đồng thời khuyến khích mọi người dùng chung phương tiện trong mỗi chuyến đi”.
Nghiên cứu của Đại học Michigan chưa đưa ra mốc thời gian dự kiến cho thời điểm VTOL bắt đầu đưa hành khách lên các chuyến bay đầu tiên của họ.