Cắt bứu để cứu quả thận độc nhất cho người đàn ông bị suy thận

GD&TĐ - Bẩm sinh chỉ có 1 quả thận, nam bệnh nhân 51 tuổi tuyệt vọng khi phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn 5 và có bướu phát triển dạng ung thư tế bào thận.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. (Ảnh: BVCC)

Ngày 21/3, Bệnh viện Bình Dân cho biết vừa điều trị bằng phương pháp cắt bướu bảo tồn thận thành công cho nam bệnh nhân ở Bến Tre đã suy giảm một phần chức năng thận.

Cách đây 3 năm, bệnh nhân tình cờ phát hiện chỉ có thận độc nhất trong một đợt đi khám bệnh do ông thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Trong đợt khám này, bệnh nhân đã bị suy thận mạn giai đoạn 5 và phải lọc máu định kỳ. Khó khăn chưa dừng lại khi gần đây ông biết tin quả thận duy nhất của mình có bướu phát triển dạng ung thư tế bào thận.

“Tôi không còn thiết sống nữa”, bệnh nhân nhớ lại lúc nhận tin vì sợ phải cắt thận hoặc sống với khối bướu ngày càng lớn lên.

TS.BS. Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A Bệnh viện Bình Dân cho biết, qua siêu âm chẩn đoán, người bệnh có bướu ở 1/3 giữa mặt trước thận, kích thước khoảng 20 mm x 20 mm.

Các bác sĩ ghi nhận mặc dù chức năng thận đã suy giảm và cần lọc máu định kỳ nhưng bệnh nhân vẫn đi tiểu được khoảng hơn 1000ml mỗi ngày.

Nhờ thận bài tiết được nước tiểu đã giúp đào thải các chất điện giải, duy trì cân bằng nội môi, hỗ trợ điều hòa tim mạch, duy trì huyết áp bình thường cho người bệnh.

Bên cạnh các xét nghiệm đánh giá chức năng thận, bác sĩ còn lên kế hoạch chi tiết khi chỉ định chụp cắt lớp điện toán (MSCT) có cản quang để hỗ trợ chẩn đoán định vị bướu và phân bổ mạch máu của thận và bướu.

Sau khi xem xét kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn phần thận lành còn lại cho người bệnh.

Vì chức năng thận đã suy giảm, các bác sĩ phẫu thuật quyết định sử dụng kỹ thuật "không kẹp cuống thận" (zero ischemia) trong lúc cắt bướu để giảm thời gian thiếu máu nóng nuôi thận, tránh ảnh hưởng chức năng thận.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 2 tiếng rưỡi, các bác sĩ đã cắt trọn bướu giữ nguyên vỏ bao, khâu khép chủ mô thận lành cho người bệnh.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, ăn uống được vào ngày hậu phẫu thứ nhất và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ năm sau khi thực hiện các xét nghiệm và siêu âm kiểm tra. Cùng với những cải thiện sức khỏe sau mổ, tinh thần bệnh nhân cũng tích cực hơn.

Bác sĩ Phát cho biết, tại Bệnh viện Bình Dân, cắt bướu bảo tồn thận cho người bệnh ung thư thận có bướu thận khu trú được thực hiện từ năm 2009, đến nay có thể thực hiện cho cả các trường hợp bướu lớn từ 4 cm đến 7 cm và bướu phát triển phức tạp.

Tuy nhiên, đối với trường hợp trên, việc áp dụng phương pháp này là một quyết định khó khăn và các bác sĩ phải chịu áp lực cao khi phẫu thuật để bảo tồn thận độc nhất.

Theo bác sĩ Phát, cắt thận toàn phần là lựa chọn dễ dàng hơn cho bác sĩ, nhưng kết quả có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

Khi mất đi thận độc nhất, người bệnh không còn giữ được khả năng lọc máu và chức năng bài tiết nước tiểu.

Từ đó, người bệnh dễ rối loạn điện giải, mất cân bằng nội môi, dễ rối loạn tim mạch, huyết áp…

Ngoài ra, người bệnh dễ bị phù, ăn uống cần tiết chế rất kỹ và khó phát hiện bất thường sức khỏe hơn do không quan sát được nước tiểu.

"Về mặt tâm lý, người bệnh dễ rơi vào hụt hẫng và rối loạn sinh hoạt vì mất đi cảm giác và thói quen đi tiểu. Khi cắt bỏ thận, cơ hội để người bệnh được ghép thận về sau cũng ít hơn. Đó là lý do chúng tôi thực hiện cắt trọn bướu, tránh nguy cơ bướu xâm lấn và bảo tồn thận lành", bác sĩ Phát nói.

Người có thận độc nhất cần chú ý xây dựng lối sống và dinh dưỡng lành mạnh, sinh hoạt điều độ, theo dõi và kiểm tra sức khỏe, thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ.

Những trường hợp này cũng cần đặc biệt chú ý theo dõi huyết áp, vì một trong những chức năng của thận là điều hòa huyết áp, khi chỉ có một thận, nguy cơ huyết áp tăng cao gây nhiều biến chứng sức khỏe.

Người bẩm sinh chỉ có thận độc nhất hoặc mất thận từ khi còn nhỏ sẽ phải đối diện với nguy cơ thận mất dần chức năng và tăng huyết áp.

Bác sĩ Phát cho biết, hầu hết những người thận độc nhất có thể sống trọn đời như những người có đầy đủ hai thận. Tuy nhiên, khi có các vấn đề như chấn thương, ung thư thận thì những người có thận độc nhất có nguy cơ cao mất hoàn toàn chức năng thận.

Những người bệnh có thận độc nhất cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe như bướu thận, suy thận để điều trị kịp thời.

Thận độc nhất là tình trạng người sinh ra chỉ có một bên thận, hoặc đã cắt bỏ một thận hoặc đã hiến thận. Tỷ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1000 và thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Thận độc nhất vẫn hoạt động tăng cường và thực hiện 75% chức năng so với có hai thận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ