Cấp thiết vấn đề dinh dưỡng học đường

GD&TĐ - Chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là dinh dưỡng học đường trở nên cấp thiết, cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT - chia sẻ tại hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT - chia sẻ tại hội thảo.

Ngày 12/10, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt lần II, chủ đề Dinh dưỡng học đường. Hội thảo do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH.

Tham dự hội thảo có hơn 300 đại biểu là các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, đại diện từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế…

Hội thảo chia sẻ góc nhìn toàn diện về thực trạng dinh dưỡng và dinh dưỡng học đường tại Việt Nam, đồng thời cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu từ thế giới với những mô hình đã được chứng minh hiệu quả.

Các ý kiến thảo luận và khuyến nghị từ Hội thảo là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục xây dựng chính sách và chương trình dinh dưỡng học đường, thực hiện chủ trương, chiến lược phát triển tầm vóc, thể lực, trí lực cho thế hệ tương lai.

0x8a7035-2014.jpg
Các đại biểu trong nước và quốc tế dự hội thảo về dinh dưỡng học đường.

3 gánh nặng về dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đồng thuận rằng, sức khỏe là vốn quý của đời người, khởi đầu là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và tiếp theo từ 2-12 tuổi.

Khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi. Đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Chính vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này - đặc biệt là dinh dưỡng học đường - trở nên cấp thiết, cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.

Theo PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt nam là 18,2% (thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).

Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (24,8%) và Tây Nguyên (25,9%).

Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm)​.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.

0x8a6985-6454.jpg
PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế.

Cần giải pháp mang tính toàn diện, liên tục, liên ngành

Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, PGS.TS. Trần Thanh Dương cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp, toàn thể cộng đồng.

Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh, tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.

Một điểm nhấn về giải pháp phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam được PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT trình bày tại hội thảo là mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.

Mô hình này do Bộ GD&ĐT triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, được thực hiện tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.

Sau khi thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng và xây dựng thực đơn phù hợp với từng địa phương, bữa ăn học đường trong mô hình điểm được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học.

Can thiệp chính của mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng; bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi; kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất (qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi) giúp học sinh tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề đưa ra một số đề xuất cụ thể như: cần nhân rộng mô hình điểm; xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường; đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học.

GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, luật hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ.

dinh-duong-hoc-duong1-9119.jpg
GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản.

Về kinh nghiệm quốc tế, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã chia sẻ những thành công của chương trình bữa ăn học đường tại Nhật Bản, một mô hình thành công nổi bật trên thế giới.

Vào năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act.). Như vậy, có thể thấy Luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội. Luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng.

Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này. Kết quả, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cách đây 50 năm.

dinh-duong-hoc-duong2-3892.jpg
Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH: TH là đơn vị khởi xướng và đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan ban ngành từ những ngày đầu xây dựng, triển khai các chương trình dinh dưỡng Quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về khoa học não bộ ứng dụng cảnh báo, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, làm suy giảm khả năng học tập và gây ra các vấn đề về cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và dưỡng chất để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ​.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.