Từ việc vận dụng quy định để cấp phép đã lộ ra một số sai phạm trong quá trình quản lý đất đai của chính quyền địa phương.
Bến thủy nội địa của Công ty Phú Thành Đạt được Sở GTVT Hải Phòng cấp phép và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, căn cứ để cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho doanh nghiệp được Sở GTVT Hải Phòng dựa trên hợp đồng thuê lại đất của Công ty Phú Thành Đạt với cá nhân ông Ngô Văn Thân (người xã Lại Xuân).
Sau khi Báo GD&TĐ đăng tải thông tin trên, ông Hoàng Triệu Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng lý giải, do thành phố chưa có quy hoạch cụ thể về việc cấp bến thủy nội địa trên toàn địa bàn nên giấy phép cấp cho Công ty Phú Thành Đạt cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác chỉ mang danh nghĩa tạm thời. Sở cấp phép dựa vào Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa số 82-2012/GPBTNĐ do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I cấp cho doanh nghiệp này vào ngày 2/7/2012.
Hơn nữa, ông Hùng cho rằng, “vùng đất mà Sở GTVT căn cứ để cấp phép cho Công ty Phú Thành Đạt là hoàn toàn đúng, không có gì sai. Bởi, Sở chỉ cần biết doanh nghiệp có đất như Thông tư 50/2014/ TT-BGTVT của Bộ GTVT hướng dẫn là được”. Tuy nhiên, khi được hỏi về mục đích sử dụng và hợp đồng thuê đất của Công ty Phú Thành Đạt có đúng luật, ông Hùng cho rằng vấn đề đó thuộc trách nhiệm của Sở TNMT?
Điều đáng nói, ông Hoàng Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân khẳng định, phần đất 3.625 m2 mà Công ty Phú Thành Đạt đang làm bến thủy có nguồn gốc là đất trồng cây hàng năm. UBND xã đã có hợp đồng cho ông Ngô Văn Thân thuê từ nhiều năm nay, ông Thân không sử dụng và cho Công ty Phú Thành Đạt thuê lại.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, từ năm 2008, UBND xã Lại Xuân đã làm hợp đồng cho ông Ngô Văn Thân thuê diện tích đất này với mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng và nuôi trồng thủy sản.
Đến ngày 5/1/2017, phần diện tích đất trên được ông Hoàng Minh Luân, Chủ tịch xã Lại Xuân tiếp tục ký hợp đồng cho ông Thân thuê làm kinh doanh bãi vật liệu xây dựng với thời hạn hợp đồng là 3 năm và mức phí thuê 2.500.000 VNĐ/năm.
Như vậy, không hiểu dựa vào căn cứ nào mà UBND xã Lại Xuân lại cho thuê đất công ích thuộc quyền quản lý để làm bãi vật liệu xây dựng, trong khi thẩm quyền này thuộc về cấp huyện?
Hơn nữa, tại sao hộ ông Thân không có nhu cầu sử dụng và đang cho thuê lại sai mục đích sử dụng nhưng UBND xã Lại Xuân không có động thái xử lý hoặc thu hồi? Phải chăng, ông Hoàng Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân đang “ngó lơ” cho sai phạm?
Đặc biệt, qua các tài liệu cho thấy, UBND xã hợp đồng cho ông Thân thuê 3.625 m2 đất khu Bến Đụn để kinh doanh vật liệu xây dựng với thời hạn 3 năm, từ năm 2017. Nhưng ông Thân lại ký hợp đồng cho Công ty Phú Thành Đạt thuê lại với thời hạn 10 từ năm 2010. Hơn nữa, trong hợp đồng số 1 ngày 1/1/2010 giữa ông Thân và doanh nghiệp này thì phần diện tích đất cho thuê chỉ có 3.000 m2.
Về vấn đề này, luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT, trường hợp UBND cho thuê đất bãi bồi ven sông, thời hạn thuê tối đa là 5 năm. Nếu hộ gia đình không có nhu cầu thuê đất thì phải trả lại đất thuê, không được cho thuê lại để kiếm lời.
Hơn nữa, việc cho thuê lại đất để làm bến bãi cũng không đúng luật. Theo ý kiến của các luật sư, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải do UBND cấp quận, huyện quyết định. Việc người dân tự ý cho thuê lại đất bãi vốn là đất nông nghiệp để doanh nghiệp sử dụng vào mục đích làm bến bãi (phi nông nghiệp) còn vi phạm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Từ những căn cứ trên, việc Sở GTVT Hải Phòng cấp phép cho doanh nghiệp dựa vào hợp đồng thuê lại đất liệu có đúng? Hay phải chờ thêm một thời gian nữa khi thành phố Hải Phòng có quy hoạch bến thủy nội địa thì những sai phạm trên sẽ chấm dứt như lời ông Hoàng Triệu Hùng trả lời báo chí?