“Cởi trói” ca khúc xưa?
Cấp phép cho ca khúc là một đề tài gây nhiều tranh luận trong thời gian qua. Vào tháng 3, dư luận đã phản ứng khá gay gắt trước quyết định “cấm lưu hành 5 ca khúc trước 1975” trong đó có ca khúc Con đường xưa em đi vì bị cho là có nhiều ca từ nhạy cảm của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Sau những lùm xùm tranh cãi về vấn đề cấp phép ca khúc trước 1975 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhiều ý kiến cho rằng những ca khúc này đã được “cởi trói” khi tháng 5/2017 Phó Thủ tướng đã ban hành chỉ đạo: “Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.
Tuy nhiên, câu chuyện cấp phép gây nên những dư luận trái chiều. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên đưa ra một danh sách các ca khúc bị cấm, còn tất cả những ca khúc còn lại, có giá trị thì tự động được phép lưu hành.
Mới đây, tại Hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay”, ông Phạm Sỹ Cần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương, cho rằng nên “nhặt sạn” những bài hát cấm, tức là công chúng chỉ cần tra bài hát đó có bị cấm hay không để hát.
Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH&TT Hà Nội, cho hay một trong những cái khó của đơn vị cấp phép là việc thẩm định tác phẩm. “Bài hát không có nội dung gì vi phạm về chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước thì chúng ta phải cho biểu diễn. Nhưng có khi bài hát đó hạn chế về nghệ thuật, như có lời lẽ ngô nghê thì lại không thể kiểm soát được”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Vương Duy Biên, cho rằng khó khả thi bởi khó có thể cập nhật được hết danh mục các sáng tác. Cũng theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, có rất nhiều bài hát trước 1975 đang được tác giả, gia đình tác giả nắm giữ chưa xin phép phổ biến nên khó đưa ra danh sách các sáng tác được phép phổ biến, không được phép hoặc chưa xin phép.
Vẫn khó kiểm soát ca khúc câu khách
Thời gian qua, hàng trăm ca khúc trước 1975 đã trở nên nổi tiếng và gắn với nhiều thế hệ khán giả vẫn vướng phải nhiều thủ tục cấp phép rườm rà thì những ca khúc mới ra đời, dù có nội dung phản cảm, ca từ nhảm nhí vẫn được phổ biến, truyền tải tự do.
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa các sản phẩm âm nhạc này là chuyện không đơn giản. Riêng trong năm 2017, hàng loạt sản phẩm được phổ biến với công chúng nhưng nội dung ca từ nhảm nhí: Phiếu bé ngoan (Yanbi), Em không hối tiếc (Hương Giang Idol), Tan ka ka (Ganja) hay đặc biệt nổi cộm là Như cái lò (Sambi)… Trên thực tế, các sản phẩm nhạc nhảm thậm chí không cần cấp phép để phổ biến, khi chỉ cần đăng tải trên mạng xã hội là đã có người xem.
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, âm nhạc kể cả chính thống cũng như giải trí mà không có giá trị đích thực thì trước sau gì cũng bị đào thải. “Thay vì chỉ trích dòng nhạc này, chê bôi ca khúc nọ, tốt hơn hết là tìm mọi cách làm ra những món ăn tinh thần ngon lành hấp dẫn cho người hưởng thụ”.