Cấp phép biểu diễn thế nào cho thỏa đáng?

GD&TĐ - Trong khi các nghệ sĩ sân khấu đang xoay xỏa với việc làm thế nào để kéo khán giả đến với ánh đèn sân khấu, thì vấn đề cấp phép biểu diễn lại khiến họ đứng ngồi không yên. 

Quy định về giấy phép biểu diễn cho sân khấu kịch đang gây tranh cãi
Quy định về giấy phép biểu diễn cho sân khấu kịch đang gây tranh cãi

Theo Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thì thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa chỉ 12 tháng. Điều này khiến các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực sân khấu khá bất ngờ, hoang mang.

Thờ ơ với quy định mới

Vừa qua dư luận xã hội quan tâm nhiều tới việc hàng loạt nghệ sĩ sân khấu kịch kêu ca về thời hạn cấp phép cho các vở diễn trên sân khấu. Xung quanh vấn đề này có nhiều điều phải bàn. Cụ thể tại Khoản 6, Điều 9 của Nghị định 15/2016 sửa đổi Khoản 2, Điều 10 của Nghị định 79/2012 có ghi: “Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng”.

Điều đáng tiếc là Nghị định này đã thay đổi được một năm, tuy nhiên đến thời điểm này rất nhiều nghệ sĩ thậm chí cả những người đứng đầu các sân khấu lớn mới biết. Thậm chí chỉ khi họ được mời lên để nhắc nhở về thời gian được cấp phép đối với một số vở diễn thì họ mới rõ có sự thay đổi này.

Theo chia sẻ của NSƯT Trịnh Kim Chi (sân khấu kịch Vân Tuấn), khi được người của Sở VH, TT&DL TPHCM gọi nhắc lên làm hồ sơ xin gia hạn giấy phép biểu diễn cho các vở kịch được cấp phép biểu diễn sau ngày 1/5/2016 thì bà mới tá hỏa về quy định mới. Với các vở diễn tái cấp phép nếu không thay đổi diễn viên, không thay đổi nội dung hoặc đạo diễn thì không phải duyệt lại, nhưng vẫn phải làm thủ tục như lúc ban đầu xin duyệt vở.

Một số lãnh đạo quản lý tại các sân khấu cũng phàn nàn về những bất cập đó là: Bản thân họ không nhận được công văn hay thông tư nào gửi đến sân khấu về sự thay đổi này. Mọi người cũng đã quen giấy phép không thời hạn nên khi được cấp phép, mọi người cầm về chứ không đọc kỹ giấy phép... Rõ ràng sự thiếu thấu đáo trong khâu quản lý đã khiến cho những thay đổi trong việc cấp phép biểu diễn đã không được những người trong cuộc cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó những thay đổi này cũng ảnh hưởng về kinh tế, thời gian trong việc xin lại thủ tục cấp phép cho các vở diễn.

Nên kéo dài hơn thời gian cấp phép

Trong quá trình tìm hiểu được biết, trước khi có Nghị định 15/2016/NĐ-CP, vở diễn chỉ cần duyệt một lần, nếu được cấp phép thì đó là giấy phép không thời hạn. Việc duyệt lại một vở đã có giấy phép biểu diễn thường là do vở được dàn dựng ở một sân khấu khác và quản lý sân khấu đó muốn “sở hữu” giấy phép biểu diễn của vở; hoặc vở được dàn dựng lại có thay đổi so với bản dựng đã được cấp phép. Đa số các nghệ sĩ đều cho rằng, việc thay đổi hình thức về việc cấp giấy phép biểu diễn trong một năm là tạo sự rắc rối phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động của các sân khấu kịch trên cả nước.

NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã nêu ra những bất cập trong sự thay đổi của việc cấp giấy phép biểu diễn: Vấn đề là vì sao giấy phép biểu diễn cấp cho một vở diễn chỉ có hiệu lực một năm? Một tác phẩm sân khấu khi đã được hội đồng nghệ thuật thẩm định nội dung, chủ đề tư tưởng và cho phép biểu diễn thì không thể có vấn đề về nội dung, tư tưởng. Tôi cho rằng, quy định của Cục Nghệ thuật biểu diễn về hạn cấp giấy phép cho một tác phẩm sân khấu tối đa 12 tháng là bất hợp lý, bởi ai cũng hiểu sức sống của một tác phẩm sân khấu rất lâu bền, có những tác phẩm vượt thời gian.

Cũng theo NSND Anh Tú thì việc kiểm duyệt là cần thiết nhưng nên kéo dãn thời gian ra từ 3 - 5 năm duyệt lại một lần, vì nhiều tác phẩm sân khấu thay đổi kịch bản, làm cho tác phẩm gốc méo mó, dị hợm so với ban đầu. Thực tế đã có những tác phẩm sân khấu không cấp phép lại, sau 3 - 4 năm diễn lại có những thay đổi biến tướng, ví dụ như nhân danh làm mới, hay đưa các yếu tố đương đại, các thử nghiệm sân khấu vào nhưng không phù hợp, thậm chí làm méo mó tác phẩm.

Để quản lý và nâng cao chất lượng vở diễn của các sân khấu kịch thì việc cấp giấy phép biểu diễn là điều hết sức cần thiết. Thời gian cấp phép cho các vở diễn là không thời hạn như trước đây cũng không còn phù hợp với thời điểm hiện tại cũng như sự phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên về mức thời gian trong giấy phép biểu diễn cũng cần phải được các cấp các ngành có trách nhiệm đưa ra một quyết định hợp lý và thấu đáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ