“Cặp lồng” đến lớp

GD&TĐ - Đối với giáo dục vùng cao, huy động HS đến lớp đã khó, duy trì sĩ số lại còn khó khăn hơn. Thực tế trên tồn tại suốt bấy lâu nay ở các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên nói chung và huyện biên giới nghèo Nậm Pồ nói riêng. Sau nhiều năm trăn trở, “bài toán” duy trì sĩ số lớp của những người thầy, người cô hết lòng vì HS đã tìm được “lời giải” qua phong trào “Cặp lồng đến lớp”.

Từ việc HS bỏ học buổi chiều, ba năm gần đây, HS không còn bỏ học
Từ việc HS bỏ học buổi chiều, ba năm gần đây, HS không còn bỏ học

Khó khăn chồng chất

Những ngày cuối tháng 11, tôi có dịp trở lại huyện biên giới, vùng cao nghèo Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên. Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 200km, song cũng phải mất gần 6 giờ đồng hồ trên chiếc xe ca “chuồng gà” lặc lè chở nặng hàng hóa ngược đèo tôi mới đến được trung tâm huyện lỵ. Xuống xe khi trời đã nhá nhem tối, tôi vội làm “cuốc” xe ôm “phi” thẳng lên trung tâm xã Nà Hỳ, nơi có cây cầu mới Sam Lang đã “lấy đi” biết bao giấy mực của các nhà báo sau câu chuyện cô giáo chui túi nilon vượt dòng lũ dữ để đến trường học cách đây mấy năm.

Gặp cô giáo Lò Thị Thuỳ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Hỳ số 2 ở điểm trường trung tâm, thấy cô không còn vẻ trầm ngâm như mấy năm về trước. Cô kể bao nhiêu chuyện về trường, về lớp, về HS của mình. Nào là các em không còn phải cõng em đến lớp để đi học, nào là trường lớp được xây dựng khang trang... Cô còn nhắc lại chuyến đi của tôi cùng Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường lên bản vận động HS đến lớp.

HS vùng cao đón nhận những tình cảm chân thành từ sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện thông qua kinh phí hỗ trợ ăn trưa
  • HS vùng cao đón nhận những tình cảm chân thành từ sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện thông qua kinh phí hỗ trợ ăn trưa

Ở cái huyện vùng cao nghèo này, HS chẳng quan tâm đến chuyện học đã đành, bố mẹ chúng còn thờ ơ hơn nữa. Cứ đi học thì sẽ chẳng thể “mài” chữ ra mà ăn được. Còn nếu có sức khỏe, cứ đi chăn trâu, cắt cỏ hay như đi nương, đi rẫy mỗi ngày thì còn có thóc, có ngô mà ăn. Cứ thế mà buổi sáng cô giáo lên từng nhà vận động thì HS đi học đầy đủ. Buổi trưa tan giờ học, xa mấy các em cũng sẽ về nhà tìm bát cơm nguội, vài hạt muối khô chan nước lã ăn cho đỡ đói, rồi lại “túm năm, tụm ba” vào rừng chơi vì có ở nhà cũng chẳng ai chăm sóc. Bố mẹ chúng thì đi nương xa từ sáng sớm, tối mịt mới trở về nhà. Nếu thầy giáo, cô giáo không đến vận động thì chúng cũng chẳng cần đến lớp.

“Cái khó ló cái khôn”

Trở lại lần này, tôi được các thầy cô trong BGH nhà trường đưa đến điểm bản Sam Lang, một trong những điểm xa trung tâm và khó khăn nhất toàn xã. Thật ngạc nhiên khi nơi đây đã được đầu tư trường lớp khang trang hơn trước. HS đi học cũng đông đủ hơn.

Hỏi ra mới biết, sau nhiều lần trăn trở, cô Thuỳ cùng BGH nhà trường đã tìm ra được giải pháp. Vấn đề cốt lõi được xác định là cần phải tổ chức tốt bữa ăn trưa cho các cháu. Qua việc tổ chức họp phụ huynh, nhà trường đã đề nghị mỗi gia đình đóng góp 3.000 đồng/ngày/HS. Số tiền này dành để mua thức ăn như: Trứng vịt, cá khô để bổ sung vào khẩu phần ăn buổi trưa. Bên cạnh đó, nhà trường cũng yêu cầu mỗi gia đình đều phải tự nấu cơm buổi sáng, cho vào cặp lồng để cho con mang theo đến lớp.

“Thời gian đầu thầy, cô giáo nấu canh, nấu thức ăn rồi san sẻ cho các con. Khi có kinh phí đóng góp rồi thì cô giáo ở bản sẽ đi chợ mua, nấu cho các con ăn. Trứng thì 4.000 đồng/quả trong khi bố mẹ các con góp có 3.000 đồng. Thế nên chúng tôi cứ gom lại bằng số tiền đó, mua chung một món rồi san đều cho các con để ai cũng có thức ăn. Nhiều lúc cô giáo còn phải bỏ thêm tiền túi để mua mỡ, mì chính, muối, hành cho các con cơ”, cô giáo Lò Thị Thuỳ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Hỳ số 2 xúc động nói.

Vài năm trở lại đây, từ việc vận dụng nhiều biện pháp, trong đó đáng chú ý là phong trào “Cặp lồng đến lớp” mà HS ở 10/10 điểm bản của Trường Tiểu học Nà Hỳ số 2, huyện Nậm Pồ không còn bỏ học. “Mình vận động được như thế, bố mẹ cho con đến lớp họ cũng yên tâm. Buổi trưa thầy cô cho ăn xong thì các cháu ngủ luôn tại lớp. HS không còn bỏ học nữa, các cháu đi học đều 100% luôn”, cô giáo Lò Thị Thuỳ phấn khởi chia sẻ.

Phong trào “Cặp lồng đến lớp” được phát động, thực hiện rộng khắp đã giúp cho thầy cô giáo vùng cao giải quyết “bài toán” duy trì sĩ số
Phong trào “Cặp lồng đến lớp” được phát động, thực hiện rộng khắp đã giúp cho thầy cô giáo vùng cao giải quyết “bài toán” duy trì sĩ số 

Cô Thuỳ cũng cho biết thêm, năm học 2018 – 2019, hơn 1.000 HS thuộc diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Nậm Pồ được đón nhận những tình cảm chân thành thông qua kinh phí hỗ trợ thức ăn buổi trưa từ nhóm từ thiện “Niềm tin Hà Nội”. Ở Trường Tiểu học Nà Hỳ số 2, có 74 HS thuộc 4 lớp ở các bản: Sam Lang, Nậm Chua 2, Nậm Chua 5 thuộc đối tượng này. Mỗi tháng, mỗi em được hỗ trợ 150.000 đồng, dành mua thức ăn.

Khoảng 10 giờ 30 trưa, đang mải tâm sự với các thầy, cô giáo ở lớp 1+2 điểm bản Sam Lang, tôi chợt nhìn thấy có một em bé đang ngồi giữa lớp, vẻ ngượng ngùng với chiếc cặp lồng trống rỗng trên tay, trong khi cả lớp đang chờ đến lượt được chia thức ăn. Hỏi ra mới biết, đó là em Vàng Thị Gầu. Nhà Gầu cách trường hơn hai cây số. Hôm nay bố mẹ em đi nương từ sáng sớm, khi em chưa thức dậy.

Bố mẹ cũng vội, không kịp nấu cơm. Nhưng theo thói quen, Gầu cũng vẫn cứ mang cặp lồng đến lớp. Sợ Gầu tủi thân, cô giáo Lèng Thị Tịnh lại xin mỗi bạn trong lớp một thìa nhỏ. Thế là Gầu có đủ cơm cho bữa trưa nay. “Ở đây vẫn thường xảy ra như thế anh ạ! Nhiều khi vào mùa vụ, bố mẹ các cháu không kịp nấu cơm cho con mang đi, nhưng các em nhất định không nghỉ học. Chúng em lại san sẻ mỗi bạn 1, 2 thìa cơm để đủ ăn vì HS ở đây các em ý mới học lớp Một, ăn cũng ít. Mỗi lần như thế lại thêm một lần chúng em dạy bảo các em về bài học sẻ chia”, cô giáo Lèng Thị Tịnh vui vẻ nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ