Cấp cứu thành công bệnh nhân gần đứt lìa ngón tay

GD&TĐ - Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh đã tiến hành nối lại thành công ngón tay đứt gần lìa và gãy hở phức tạp cho một trường hợp tai nạn lao động.

Ảnh chụp X-quang đánh giá các vết thương ở bàn tay của người phụ nữ. Ảnh: BVCC.
Ảnh chụp X-quang đánh giá các vết thương ở bàn tay của người phụ nữ. Ảnh: BVCC.

Mới đây, ê-kíp vi phẫu thuộc chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh đã tiến hành nối lại thành công ngón tay đứt gần lìa và gãy hở phức tạp cho một trường hợp tai nạn lao động.

Cụ thể, khi đang làm việc, bệnh nhân nữ (51 tuổi) không may bị máy đập vào bàn tay phải, gây vết thương tại các ngón II, III, IV. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng vết thương phức tạp, đánh giá tổn thương thấy đứt gần lìa đốt giữa ngón III, gãy hở đốt xa ngón IV, vết thương đứt gân duỗi ngón II tay phải.

Sau khi có kết quả cận lâm sàng và những xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình ngay lập tức thống nhất chỉ định nối lại ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân.

Sau gần 4 giờ đồng hồ, ê-kíp phẫu thuật đã nối thành công ngón giữa, đồng thời xử lý các tổn thương của các ngón còn lại. Hiện tại, sau 7 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ngón tay nối hồng, cảm giác tốt, 2 búp ngón còn lại cũng hồng ấm. Dự kiến, bệnh nhân được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo BS.CKI Triệu Quốc Ngọc - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh điều quan trọng nhất để mang lại thành công cho các ca nối chi thể đó là các chi thể bị đứt lìa phải được bảo quản đúng cách và nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.

Qua đó, để được xử lý và can thiệp kịp thời. Các trường hợp chi thể bị đứt lìa cần bảo quản đúng cách, nên dùng khăn hoặc gạc bọc lại, bỏ vào túi xốp chống thấm sau đó ngâm vào nước đá.

Mọi người cần lưu ý, tuyệt đối không ngâm trực tiếp chi thể bị đứt lìa vào nước đá. Đồng thời, chuyển tất cả theo bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, có đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là đội ngũ vi phẫu giàu kinh nghiệm để xử lý kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ