Vào 10 giờ sáng ngày 16/2, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả tiếp nhận bệnh nhân Đ. (nam, 16 tuổi, trú tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng thượng vị.
Gia đình cho biết, trong 3 ngày qua, bệnh nhân bị đau đầu và đã uống liên tục 15 viên Paracetamol (hàm lượng 500mg/viên) trong thời gian ngắn nhằm giảm đau.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị ngộ độc Paracetamol do uống quá liều.
Bệnh nhân đã được chuyển Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục điều trị theo phác đồ xử trí ngộ độc Paracetamol, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tùy tiện sử dụng Paracetamol.
Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Do các biểu hiện ngộ độc Paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Đối với người lớn, liều Paracetamol tối đa không được phép lớn hơn 4g/ngày. Liều dùng Paracetamol đường uống: 10 - 15 mg/kg, cách 4 - 6 giờ/lần. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên dùng Paracetamol quá 5 lần và không quá 75 mg/kg trong vòng 24 giờ.
Hiện nay, Paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện.
Tuy nhiên, người dân không nên tùy tiện sử dụng Paracetamol, nhất là trường hợp sử dụng không theo hướng dẫn chi tiết về liều dùng, sử dụng số lượng nhiều và liên tục trong nhiều ngày.
Khi thấy các biểu hiện đau đầu, sốt... không giảm, người dân nên ngừng sử dụng thuốc và đến ngay bệnh viện để khám, kịp thời điều trị bệnh.