Các thẩm phán nhất trí ủng hộ quan điểm của các nhà lập pháp rằng, ông Yoon đã vượt quá quyền hạn của mình khi tuyên bố thiết quân luật gây sốc vào ngày 3/12/2024.
Tòa án phán quyết với tỷ lệ 8-0 rằng, ông Yoon đã “từ bỏ nhiệm vụ duy trì hiến pháp và phản bội nghiêm trọng lòng tin của người dân Hàn Quốc”. Hiến pháp Hàn Quốc cho phép Tổng thống ban bố thiết quân luật “khi cần thiết để đối phó với tình huống quân sự bắt buộc, hoặc để duy trì an toàn và trật tự công cộng bằng cách huy động lực lượng quân đội trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự”.
Sau khi bị Quốc hội luận tội vào tháng 12/2024, ông Yoon đã bị đình chỉ thực hiện các nhiệm vụ theo hiến pháp, nhưng vẫn giữ chức Tổng thống và nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa.
Sau phán quyết có hiệu lực ngay lập tức vào sáng 4/4, ông Yoon bị bãi nhiệm khỏi chức vụ và trở thành một công dân bình thường. Giới hạn một nhiệm kỳ của Hàn Quốc đối với các tổng thống đồng nghĩa với việc ông không thể tái tranh cử.
Ngoài luận tội, ông Yoon còn đối mặt phiên tòa hình sự về cáo buộc kích động nổi loạn liên quan thiết quân luật. Dù từng bị bắt giữ hồi tháng 1, ông được thả vào tháng 3 sau khi tòa tuyên lệnh giam không hợp lệ.
Đây là lần thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc một tổng thống bị phế truất, sau các cựu Tổng thống Roh Moo-hyun (2004) và Park Geun-hye (2017). Phán quyết lần này tiếp tục đặt dấu hỏi về sự ổn định chính trị tại một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Sau khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Yoon chính thức kết thúc, hầu hết các đặc quyền dành cho nguyên thủ quốc gia sẽ bị thu hồi. Ông Yoon buộc phải rời khỏi dinh thự tổng thống.
Ông được cho là sẽ trở về sống tại nhà riêng ở quận Seocho, phía Nam thủ đô Seoul. Hiện chưa có thời hạn cụ thể cho việc này. Việc ông Yoon rời khỏi dinh thự có thể sẽ không diễn ra ngay lập tức. Theo một số nguồn tin, lực lượng an ninh vẫn chưa bắt đầu chuẩn bị cho việc di chuyển.
Ngoài ra, ông Yoon sẽ không còn được hưởng chế độ hỗ trợ dành cho quan chức, bao gồm cả việc mất trợ lý chính thức và tài xế. Ông Yoon cũng mất quyền nhận lương hưu - vốn tương đương 95% mức lương tổng thống. Ông cũng sẽ không được an táng tại các nghĩa trang quốc gia sau khi mất.
Dù đã bị phế truất, ông Yoon vẫn được tiếp tục bảo vệ theo quy định trong Luật Đãi ngộ cựu tổng thống. Vợ ông, bà Kim, cũng được hưởng chế độ bảo vệ này. Việc bảo vệ kéo dài trong 5 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm nếu người đứng đầu cơ quan an ninh thấy cần thiết. Tuy nhiên, nếu ông Yoon bị bắt trong quá trình điều tra hình sự, các biện pháp bảo vệ đó sẽ tạm thời bị đình chỉ trong thời gian ông bị giam.
Trong bối cảnh hiện tại, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày tới để chọn ra lãnh đạo mới. Trong quá trình này, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tiếp tục giữ chức quyền tổng thống để lãnh đạo đất nước.
Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc công bố kết quả kiểm phiếu, tân tổng thống sẽ nhậm chức, tiếp quản quyền lực từ ông Han. Các cuộc thăm dò cho thấy, thủ lĩnh phe đối lập Lee Jae-myung, người thất bại suýt soát trước ông Yoon trong cuộc bầu cử năm 2022, đang duy trì vị thế dẫn đầu và không gặp phải đối thủ lớn nào.
Dù vậy, lãnh đạo đảng Dân chủ đang đối mặt với nhiều bê bối và rắc rối pháp lý, có thể khiến ông không thể tham gia cuộc bầu cử. Ông Lee sắp phải ra tòa vì các cáo buộc như nhận hối lộ và liên quan tới bê bối trong một dự án phát triển bất động sản.
Việc Tổng thống Yoon bị phế truất có thể làm gia tăng căng thẳng chính trị ở Hàn Quốc sau nhiều tháng bất ổn. Trong đó, hàng trăm nghìn người dân nước này đã đổ ra đường để phản đối hoặc ủng hộ ông.