Đây là nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam mà Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn tất.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải xác định sẽ xây dựng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần. 8 dự án BOT thu hút đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ được làm trên các đoạn Ninh Bình - Hà Tĩnh và Khánh Hòa - Đồng Nai, 3 dự án thành phần khác sẽ phải thực hiện theo hình thức đầu tư công, trong đó có công trình cầu Mỹ Thuận 2. Đây là cây cầu có tổng mức đầu tư lớn, lên đến hơn 4.200 tỷ đồng, do đó khó thu hút đầu tư theo hình thức BOT.
Cụ thể, sẽ đầu tư công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn do đang đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với quy mô 2 làn xe, để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe chỉ cần bổ sung vốn Nhà nước khoảng 1.612 tỷ đồng, việc dừng để đầu tư theo hình thức PPP là không phù hợp.
Đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng được đầu tư công do dự báo nhu cầu vận tải đoạn này có lưu lượng thấp hơn các đoạn ưu tiên đầu tư giai đoạn 2017 - 2020, khả năng thu hút các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT khó khăn. Dự án đầu tư công thứ 3 là Cầu Mỹ Thuận 2, nằm giữa 2 dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang đầu tư theo hình thức BOT.
Do cầu Mỹ Thuận 2 có khổ thông thuyền lớn nên phải sử dụng kết cấu đặc biệt, tổng mức đầu tư lớn nên phần vốn hỗ trợ Nhà nước lớn, nếu đầu tư theo hình thức BOT sẽ không hiệu quả, khó đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc và việc giải ngân toàn bộ phần vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2017-2020 không khả thi. Cả ba dự án đầu tư công này sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sánh Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.
Theo tính toán của Bộ GTVT, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 sẽ vào khoảng 118.716 tỷ đồng, theo mặt bằng giá quý II - 2017. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng, bao gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng, 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP, 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.
Cũng tại báo cáo tiền khả thi, Bộ GTVT đã đánh giá cụ thể về tác động môi trường, xã hội, nhu cầu sử dụng đất, số hộ dân bị ảnh hưởng với số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 14.155 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư năm 2017 – 2018, dự kiến khởi công năm 2019, cơ bản hoàn thành năm 2021.