Cao chiết từ dứa dại bảo vệ gan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với vùng phân bố tự nhiên tương đối rộng, có ở vùng núi ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, nguồn dược liệu dứa dại chủ yếu khai thác từ nguồn tự nhiên.

Dứa dại mọc chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Dứa dại mọc chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có và dễ canh tác là quả dứa dại, các nhà khoa học đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình chiết xuất cao toàn phần có tác dụng kháng viêm và bảo vệ gan hiệu quả.

Những hoạt chất quý

GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết, trái dứa dại tại Việt Nam có nhiều loài khác nhau, trong đó Pandanus kaida Kurz đã được nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý.

Đây là loài đặc hữu Việt Nam, thường được gọi là dứa dại Bắc Bộ, mọc tự nhiên chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Quả, lá, đọt non và rễ được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa viêm đường tiết niệu, viêm gan...

Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình khoa học nào tại Việt Nam hay trên thế giới công bố về thành phần hóa học cũng như các tác dụng dược lý của loại quả dứa dại Bắc Bộ.

Loài Pandanus tonkinensis có tiềm năng rất lớn trong khoa học y dược. Do đó, việc đi sâu nghiên cứu thành phần hóa học của loài dứa dại Bắc Bộ một cách đầy đủ, có hệ thống, cũng như việc nghiên cứu tiềm năng sinh học, đặc biệt là tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan của loại quả này là rất cần thiết.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu của GS.TS Phạm Hùng Việt đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình chiết xuất cao toàn phần có tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan từ quả dứa dại - Pandanus tonkinensis”.

Mục tiêu là xây dựng được cơ sở khoa học, gồm: Thông tin về thành phần hóa học, chất đối chiếu cho dược liệu, quy trình chiết xuất, tiêu chuẩn cơ sở, hoạt tính kháng viêm, bảo vệ gan của cao toàn phần để sử dụng dược liệu - quả dứa dại làm nguyên liệu bào chế thực phẩm chức năng bảo vệ gan.

Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc chiết xuất và tinh chế 2 chất đối chiếu cho dược liệu với độ tinh khiết 98%, cung cấp bộ dữ liệu phổ cho chất đối chiếu, và đây là cơ sở quan trọng cho việc kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, chế phẩm và nghiên cứu tiếp theo về hóa dược.

Sau đó, nhóm đã xây dựng quy trình và bào chế được chế phẩm cao toàn phần ở quy mô phòng thí nghiệm. Cao toàn phần có phạm vi an toàn khá rộng, không thể hiện độc tính cấp và độc tính bán trường diễn, thể hiện hoạt tính kháng viêm trên mô hình in vitro, có thấy hoạt tính bảo vệ gan trên mô hình gây độc gan cấp tính ở mức nồng độ nghiên cứu, thể hiện tác dụng bảo vệ sự sống và cải thiện chức năng gan trên mô hình chuột bị gây xơ gan bằng CCl4.

Cao chiết từ dứa dại có tác dụng bảo vệ gan.

Cao chiết từ dứa dại có tác dụng bảo vệ gan.

Góp phần phát triển sinh kế

GS.TS Phạm Hùng Việt khẳng định, kết quả của nhiệm vụ là tiền đề để có thể định hướng sản phẩm mới có nguồn gốc là dược liệu dứa dại phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giúp phát triển sinh kế cho người dân tại những vùng nguyên liệu trong tương lai.

Nhiệm vụ đã xác định được thành phần hóa học của loài dứa dại Pandanus tonkinensis - một loài đặc hữu tại Việt Nam. Ngoài ra, kết quả sàng lọc hoạt tính sinh học của các thành phần này cho thấy khả năng chống oxy hóa và khả năng kháng viêm, có thể đóng góp vào tác dụng của dược liệu. Đây chính là những cơ sở khoa học làm sáng tỏ kho tri thức bản địa về dược liệu dứa dại của Việt Nam.

Nhận định về nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình chiết xuất cao, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết, qua thu thập thông tin trực tiếp từ các vùng phân bố tự nhiên và quá trình phỏng vấn một số người chuyên kinh doanh quả dứa dại ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy loài này được khai thác thường xuyên ở các vùng rừng núi từ khoảng cuối mùa Hè đến mùa Đông, khi quả đã già.

Từ các thông tin thu thập được, có thể ước tính được số lượng dứa dại được khai thác hằng năm vào khoảng 50 - 100 tấn quả tươi, tương đương 20 - 50 tấn dược liệu quả khô.

Ngoài ra, lá và rễ cũng được sử dụng làm thuốc nhưng với số lượng ít hơn, do thường lấy quả để dễ bảo quản, bán cho khách du lịch và nếu lấy rễ thì cây sẽ không ra quả.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu lấy nguyên liệu từ rễ và lá, hằng năm các hộ khai thác vẫn có thể cung cấp hàng trăm tấn dược liệu này cho sản xuất hoặc cho các cơ sở thuốc y học cổ truyền.

Để tiến tới sản phẩm thương mại hóa, cần tiếp tục thực hiện nghiên cứu bào chế các chế phẩm thích hợp cho việc sử dụng trên cơ sở nguyên liệu cao hoặc dược liệu đã được tiêu chuẩn hóa, định hướng cho việc phát triển vùng nguyên liệu, từ đó góp phần nâng cao sinh kế của người dân và chuyển giao quy trình cho đơn vị sản xuất có nhu cầu.

Với vùng phân bố tự nhiên tương đối rộng, có ở vùng núi ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, nguồn dược liệu dứa dại hiện tại chủ yếu được khai thác từ nguồn tự nhiên. Tuy nhiên, loài này cũng như một số loại dứa dại khác thi thoảng vẫn được trồng ở một số địa phương một cách dễ dàng. Việc trồng cây dứa dại (Pandanus) có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, phụ thuộc một phần vào từng loài và địa phương.

“Cao toàn phần đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn cơ sở, và tiêu chuẩn cơ sở này cũng đã được đánh giá bởi Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM. Ngoài ra, mẫu cao sản xuất có tính ổn định, đạt tiêu chuẩn cơ sở sau 6 tháng bảo quản trong cả hai điều kiện lão hóa cấp tốc và dài hạn” - PGS.TS Phạm Hùng Việt cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ