Canxi, vitamin D và tập luyện làm giảm nguy cơ loãng xương

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, Khoa Cơ xương khớp (BV Bạch Mai), bệnh loãng xương ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.

Canxi, vitamin D và tập luyện làm giảm nguy cơ loãng xương

Tại Hội nghị khoa học thường niên của khoa Cơ xương khớp, bệnh viện Bạch Mai 2018 diễn ra ngày 12/10 với chủ đề “Thấp khớp học hướng tới cộng đồng”, PGS Hồng cho biết những ảnh hưởng của bệnh loãng xương với sức khỏe là rất lớn.

PGS Hồng cho biết, loãng xương là một rối loạn của hệ xương do mật độ khoáng xương thấp, giảm chức năng vi cấu trúc xương và/ hoặc giảm sức mạnh xương từ đó làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Nguy cơ này ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương, trong đó với người Việt Nam, khẩu phần ăn thiếu canxi và vitamin D cũng là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng này.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, giá trị canxi trong khẩu phần ăn của người Việt sau 25 năm không thay đổi, ở mức trung bình 500mg/người/ngày, chỉ đáp ứng 57-64% nhu cầu canxi của mỗi người dẫn đến tình trạng thiếu canxi trường diễn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam rất phổ biến, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở nhóm phụ nữ 40 tuổi tỷ lệ thiếu vitamin D lên đến 50%. Như vậy, cứ trung bình 2 người phụ nữ lại có 1 người thiếu vitamin D. Trong khi đó, thiếu vitamin D khiến cơ thể không tổng hợp được canxi từ thức ăn cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ loãng xương.

Ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương.

Theo PGS Hồng, điều trị loãng xương bao gồm có biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, với mục tiêu làm giảm nguy cơ bị gãy xương do loãng xương.

Biện pháp không dùng thuốc bao gồm bổ sung canxi và vitamin D, bài tập tải trọng, dừng hút thuốc lá, giảm tiêu thụ rượu, cà phê và giảm nguy cơ bị trượt ngã.

Theo đó, bệnh nhân nam từ 50 - 70 tuổi cần đảm bảo hàm lượng canxi trong bữa ăn hàng ngày tối đa là 1000 mg và ở phụ nữ trên 51 tuổi lượng canxi tối đa cần đạt 1200 mg.

Bên cạnh đó bệnh nhân cần được bổ sung vitamin D để tăng cường hấp thụ canxi. Hàm lượng vitamin D cẩn bổ sung hàng ngày là 600 UI ở nam và nữ trong độ tuổi từ 51-70 và 800 UI với nam và nữ trên 70 tuổi.

Còn với các thuốc điều trị loãng xương có rất nhiều loại khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định dựa vào từng trường hợp, mức độ loãng xương cụ thể.

PGS Hồng cũng lưu ý với bệnh nhân cao tuổi thường có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, đái tháo đường lại kèm tình trạng loãng xương nặng sẵn có, việc liền xương thường rất khó và lâu, điều trị phải kiên trì.

Để đề phòng loãng xương cần cung cấp đấy đủ dưỡng chất cho xương hàng ngày, nhất là canxi và đảm bảo đủ vitamin D để tăng cường hấp thụ canxi. Cần vận động thể lực thường xuyên, hạn chế lạm dụng Corticoid; Đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe của xương, đặc biệt tại tuyến cơ sở. Chẩn đoán và điều trị loãng xương sớm góp phần giảm tỷ lệ gãy xương, giúp tăng chất lượng sống, và giảm gánh nặng chi phí điều trị.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, các bệnh cơ xương khớp là một trong các nhóm bệnh thường gặp trong cộng đồng, có mức độ ảnh hưởng nhiều đến người bệnh và xã hội.

Tại Việt Nam, các bệnh lý xương khớp, thoái hóa khớp, loãng xương rất phổ biến, vì thế việc đẩy mạnh chẩn đoán, điều trị sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người bệnh, điều trị hiệu quả nhiều bệnh xương khớp thường gặp.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Cơ xương khớp (BV Bạch Mai) cho biết, với nhiều báo cáo chuyên đề của chuyên gia đến từ Nhật Bản, Singapore, chuyên gia Việt Nam, các bác sĩ sẽ được trao đổi, cập nhật kiến thức về những tiến bộ trong lĩnh vực thấp khớp học và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành nghề nghiệp.

Ngày 13/10 BV sẽ tổ chức khám sàng lọc cho tất cả bệnh nhân đăng kí về các bệnh cơ xương khớp, tư vấn cho bệnh nhân phát hiện, điều trị sớm các bệnh xương khớp để phòng nguy cơ biến chứng.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ