Có thể nói, bệnh viện vệ tinh như cánh tay nối dài của bệnh viện tuyến cuối về cơ sở, góp phần nâng cao tay nghề cho bác sĩ tuyến cơ sở, giảm tải cho tuyến trên và tạo niềm tin với người bệnh.
Tăng cơ hội tiếp cận kỹ thuật cao
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, là bệnh viện hạt nhân của 3 chuyên ngành (tim mạch, chấn thương và hồi sức tích cực - chống độc) cho 10 bệnh viện của 6 tỉnh khu vực phía Bắc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, chỉ tính riêng trong năm 2017 đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã chuyển giao 24 gói kỹ thuật tới hàng trăm lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các bệnh viện vệ tinh.
Có nhiều bác sĩ dù thời gian công tác lâu nhưng lần đầu được “cầm tay chỉ việc” kỹ thuật cấp cứu tim mạch ban đầu, phẫu thuật thay động mạch chủ bụng, phẫu thuật tim hở, khớp háng, trượt đốt sống thắt lưng, tiêu sợt huyết trong nhồi máu não hay chăm sóc bệnh nhân u phổi.
Cái mới, lúc đầu bao giờ cũng khó khăn nên các bác sĩ Bệnh viện E phải đồng hành trong từng kỹ thuật, thao tác và khi đã thành thạo, đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở có thể tự tin cầm dao mổ với ca bệnh khó mà trước đây chỉ có cách duy nhất điều trị là chuyển viện.
Sự phát triển của bệnh viện vệ tinh như cú hích, giúp bản thân bệnh viện tuyến dưới nhìn lại mình. Không chỉ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ bác sĩ, các bệnh viện tuyến dưới giờ đây không ngừng cải thiện cơ sở vật chất, thậm chí còn mạnh dạn đặt hàng kỹ thuật mới từ tuyến trên.
Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã tiếp nhận và triển khai được 77 ca phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật cắt u phổi, nội soi kén khí màng phổi và chấn thương vết thương mạch máu...
Hay như Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cũng đã đầu tư 34 tỷ để xây dựng phòng mổ, hồi sức cho bệnh nhân sau mổ… đồng thời đề nghị tiếp tục tiếp nhận thêm kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn phòng mổ. Còn Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang xin được học kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết trong nhồi máu não và lọc máu liên tục.
Xóa nhòa khoảng cách
Một trong những trọng tâm để thực hiện đề án giảm tải là thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. 5 chuyên khoa được ưu tiên thành lập do thường xuyên xảy ra quá tải nghiêm trọng ở bệnh viện tuyến trên.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phương án cụ thể được Bộ đề ra, trên cơ sở lấy một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và TPHCM làm bệnh viện hạt nhân, phát triển hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân.
Song song với hoạt động trên, ngành Y tế có trách nhiệm triển khai các kế hoạch đào tạo cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho bệnh viện vệ tinh, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh… nhằm từng bước giảm số lượng người bệnh từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên.
Có thể nói, việc các bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật mới, mở thêm nhiều chuyên khoa từ sản nhi đến ung bướu, tim mạch, nội tiết, huyết học lâm sàng, chống độc và hồi sức cấp cứu… như một chiếc áo mới khoác lên cho bệnh viện tuyến dưới. Nó thay đổi diện mạo, tâm thế và đem lại hiệu quả giảm tải rõ rệt, tăng sự hài lòng của người bệnh.