Buổi họp nóng lên với 13 câu hỏi về thủ tục thanh toán BHXH ngoại tuyến (ở Nghệ An), xây dựng dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, khám chữa bệnh tuyến xã…
Mở đầu phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Nhi - Đại biểu Nghi Xuân và ông Võ Văn Phúc - Đại biểu Hương Sơn có chung nỗi trăn trở: Chất lượng khám chữa bệnh và cơ chế BHYT thanh toán tuyến xã còn yếu kém, bất cập. Các đại biểu đề nghị ngành Y tế cho biết các giải pháp khắc phục?
Giám đốc Sở Y tế thừa nhận: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở trạm y tế xã chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực và thái độ làm việc, ý chí vươn lên của cán bộ y tế tuyến xã còn hạn chế. Ngành y tế chưa làm tốt việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến xã. Bên cạnh đó, nhiều trạm trưởng trạm y tế xã còn chưa tâm huyết.
Theo quy định tuyến xã chỉ được thanh toán tối đa là 20% số đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở xã. Vì vậy, kinh phí hoạt động khám, chữa bệnh cho trạm y tế xã còn rất khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn tiếp tục điều hành phiên chất vấn |
“Ở nơi nào ông trạm trưởng còn có tủ thuốc ở nhà ngoài tủ thuốc của trạm y tế thì nơi đó trạm y tế xã khó đạt hiệu quả cao” - ông Châu nhấn mạnh.
Tiếp tục phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Nhuần - Đại biểu huyện Cẩm Xuyên bày tỏ những băn khoăn: Ở Hà Tĩnh có rất nhiều chuyên gia đầu ngành về xương khớp, tim mạch và hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, lại có đến 40% người dân Hà Tĩnh đăng ký khám chữa bệnh về các lĩnh vực này tại cơ sở y tế của Nghệ An. Vậy, ngành Y tế có lộ trình như thế nào trong thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao để hỗ trợ người bệnh?
Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Nhuần, Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh đến năm 2020. Và Hà Tĩnh là một trong số ít địa phương có Bệnh viện tuyến tỉnh được các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ, chọn làm vệ tinh.
Với những nỗ lực đó, việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao trong thời gian qua khá tốt. Điều này được minh chứng thông qua con số bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt từ năm 2015 qua năm 2016. Điển hình, về sản khoa giảm từ 248 ca xuống còn 117 ca; chấn thương giảm từ 862 ca xuống 430 ca; tim mạch giảm từ 907 ca xuống 662 ca.
Mở rộng vấn đề, các đại biểu đã đưa ra các câu hỏi: “Có bao nhiêu địa phương trên toàn quốc thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT ngoại tỉnh?” và “Những địa phương không thực hiện BHYT ngoại tỉnh có trái luật không?”.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu khẳng định: “Quy định người bệnh Hà Tĩnh tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tại Nghệ An, sau đó đem hồ sơ để BHXH Hà Tĩnh thanh toán là không trái luật”.
Theo Thông báo số 718/BHXH ngày 24/7/2017 đến người dân trên địa bàn Hà Tĩnh nếu đi khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ sở y tế (trừ trường hợp cấp cứu) và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Giải trình thêm về vấn đề này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hoàng Văn Minh khẳng định: “Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện khám chữa bệnh BHYT ngoại tỉnh và về thanh toán. Sau khi thí điểm tại Hà Tĩnh, việc chi trả BHYT ngoại tỉnh sẽ được Bộ Y tế áp dụng tại các địa phương khác”.
Tuy nhiên, với hình thức thanh toán BHYT trái tuyến này, người dân gặp nhiều khó khăn, phiền toái. Đặc biệt là người nghèo, những gia đình đặc biệt khó khăn khi họ phải tự bỏ tiền thanh toán ở các bệnh viện ngoại tỉnh, sau khi điều trị xong mới được nhận lại tiền ở bệnh viện cùng tuyến tỉnh.
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Y tế được đánh giá là khá đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn để lại nhiều băn khoăn cho các đại biểu và đặt ra những vấn đề cần giải quyết sớm trong thời gian tới.