“Cánh tay nâng” của những học sinh đặc biệt

GD&TĐ - Với những người làm nghề giáo, mỗi năm lại miệt mài với con đò của riêng mình. Trong câu chuyện về những người đưa đò thầm lặng, những chuyến đò của họ qua bao mùa tựu trường không chỉ chở đầy chữ mà còn ăm ắp tình người… 

Thầy Tạ Văn Cương đang dạy kèm cho em Lô Thị Huyền Linh
Thầy Tạ Văn Cương đang dạy kèm cho em Lô Thị Huyền Linh

1.

Suốt cả một mùa hè của năm học 2016 - 2017, ở Trường Tiểu học Ngô Mây (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vẫn thầm lặng một lớp học đặc biệt. Lớp chỉ có một học sinh do sáu thầy cô giáo của trường luôn phiên nhau đảm nhiệm đã miệt mài chạy đua cùng với 3 tháng hè để bù đắp một phần thiệt thòi cho học sinh.

Thầy Tạ Văn Cương, Phó hiệu trưởng nhà trường kể, thời điểm khoảng tháng 4/2017, nhà trường nhận được tin báo từ một phụ huynh có con đang theo học tại trường về trường hợp một bé gái người dân tộc thiểu số theo cha mẹ từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nghiệp vừa đến ở trọ tại địa bàn phường Phước Mỹ - nơi trường tọa lạc.

Cháu bé đã 10 tuổi nhưng chưa được đi học. Các giáo viên trường Tiểu học Ngô Mây đã đến tận chỗ trọ của gia đình cháu Lô Thị Huyền Linh xác minh thông tin, báo cáo với Phòng GD&ĐT và chính quyền địa phương, rồi tiến hành vận động phụ huynh cho con đi học.

Lô Thị Huyền Linh có hoàn cảnh khá đặc biệt: Bố mẹ em chia tay nhau từ khi em còn rất nhỏ, sau đó, mẹ em đi bước nữa với một người dân tộc ở địa phương. Do cuộc sống khó khăn, gia đình của Linh không ổn định chỗ ở, nay đây mai đó nên chuyện học của em cũng không được chú ý.

“Ban đầu khi chúng tôi đến, gia đình cháu cũng chưa mặn mà lắm trong việc cho con đến trường, nhưng rồi mình kiên trì thuyết phục mãi, họ cũng đồng ý cho con đi học. Vì gần cuối năm học, không thể cho cháu vào lớp nào nên nhà trường quyết định dạy kèm cho cháu môn Tiếng Việt và Toán ngay tại phòng của Ban giám hiệu” - thầy Cương cho biết.

Linh cũng được nhà trường tạo điều kiện ăn ở bán trú miễn phí tại trường để theo học. Lớp học một thầy một trò do thầy Tạ Văn Cương đảm nhiệm khoảng 50% số thời gian, phần còn lại do năm giáo viên khác của trường kèm cặp. Lớp học tiếp sức một thầy, một trò vẫn được duy trì đều đặn ngày 2 buổi trong suốt 3 tháng hè.

Gần hết mùa hè, Linh đã hoàn thành hết chương trình Toán và Tiếng Việt lớp 2. “Riêng môn Toán, em học chưa thật sự ổn nên chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để kèm cặp, giúp cho cháu “cứng cáp” hơn để đủ sức học hòa nhập trong năm học tới”. Nhà trường cũng đã thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá năng lực của Linh để xếp lớp học phù hợp.

Thầy Cương chia sẻ: “Sở dĩ chúng tôi dạy kèm cho cháu trong suốt cả mùa hè, chứ không đợi đến khai giảng năm học mới là bởi vì cháu đã 10 tuổi, nếu cứ đợi đến khai giảng để bắt đầu học lớp Một thì sẽ thiệt thòi thêm cho cháu.

Lô Thị Huyền Linh hồn nhiên kể: “Hồi ở quê con cũng được đi học mẫu giáo, nhưng sau đó mẹ cùng ba dượng vào Đà Nẵng, con phải theo mẹ nên không được đến trường nữa. Được đến trường học chữ con rất vui. Các thầy cô rất quan tâm đến con, cho con sách vở, ngoài học chữ con còn được vui chơi cùng các bạn, tham gia các hoạt động ở trường, có thêm nhiều bạn mới chứ không buồn như hồi ở mãi trong nhà trọ nữa!”.

Nhìn tập vở với những nét chữ ngày càng cứng cáp, đẹp dần lên của Lô Thị Huyền Linh, mới cảm nhận được công sức, tình yêu thương, sự chăm chút mà thầy Tạ Văn Cương, cô Phượng, cô Hồng, cô Hà, cô Chinh, cô Kiều - những người nhận lãnh phần kèm cặp Linh trong suốt gần nửa năm qua.

Huyền Linh không phải là trường hợp cá biệt duy nhất mà Hội đồng sư phạm của trường Ngô Mây giúp đỡ. Cô Trần Thị Thu Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Những năm gần đây, nhà trường thường xuyên tiếp nhận những HS theo bố mẹ từ các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng mưu sinh. Cũng có trường hợp cha mẹ ly hôn, con theo cha hoặc mẹ đến tạm trú tại địa bàn phường làm nghề lao động phổ thông. Những trường hợp này, thường là không ổn định chỗ ở, nếu làm ăn không được, họ lại chuyển đi chỗ khác.

Có không ít trường hợp sau khi xin cho con nhập học được một thời gian thì họ lại rời địa phương nhưng không đến trường rút hồ sơ, cũng không thông báo cho nhà trường. Điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Nhưng ban giám hiệu nhà trường vẫn tạo điều kiện cho những HS có hoàn cảnh như vậy được nhập học.

Bởi nếu không như vậy, thì những HS có hoàn cảnh như Linh sẽ học ở đâu? Chúng tôi chỉ mong phụ huynh những HS như vậy làm ăn được để có cuộc sống ổn định, như vậy thì việc học của các cháu không bị gián đoạn, thậm chí là thất học”.

2.

Hai năm nay, Trường Chuyên biệt Tương lai (TP Đà Nẵng) có thêm lớp học C6 và C7. Đây là lớp học “nối dài” chưa từng có trong tiền lệ từ trước đến nay của nhà trường. Để hoàn thành chương trình Tiểu học, trẻ khuyết tật trí tuệ phải mất đến 7 năm học, trong đó có 3 năm lớp 1, gồm 1A, 1B, 1C.

Vừa mong mỏi con biết nhiều hơn, tự lập hơn qua từng năm học nhưng cũng thấp thỏm ngày con hoàn thành chương trình Tiểu học hoặc chạm mốc 16 tuổi, bởi cũng đồng nghĩa với việc con sẽ rời xa môi trường học đường.

Đó không chỉ là tâm trạng của phụ huynh mà còn là nỗi niềm của những GV dạy trẻ khuyết tật trí tuệ. Không đủ khả năng để học hòa nhập ở bậc THCS, trong khi chưa có chương trình dành riêng cho HS dạng tật này, phương án học nghề cũng không mấy khả thi nên đường học của các em thường là ngắn ngủi.

Những năm trước đây, HS dạng khuyết tật trí tuệ thường ra lớp muộn, nên hoàn thành xong chương trình Tiểu học thì thường các em cũng đã lớn, khoảng 16 - 17 tuổi, đủ tuổi để học nghề tại các cơ sở dạy nghề của Hội Chữ thập đỏ.

Thế nhưng, khoảng mấy năm trở lại đây, phụ huynh đã chủ động đưa con đến trường học sớm hơn, độ tuổi tốt nghiệp Tiểu học vì thế cũng giảm dần. Số HS khiếm thính còn được chuyển tiếp lên bậc THCS ngay tại trường, thế nhưng, đối với HS bị KTTT thì “rời trường ra thường là ở nhà”.

Đây cũng chính là những trăn trở từ khi thầy Nguyễn Duy Quy nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng tại Trường Chuyên biệt Tương lai. Thầy Quy cùng bàn bạc, động viên đội ngũ giáo viên của nhà trường tự xây dựng thêm chương trình học nối dài cho HS để các em có thêm thời gian hoàn chỉnh thêm một số kỹ năng để có thể “ra đời tốt hơn”.

Năm 2015, năm đầu tiên đưa chương trình C6 và C7 vào triển khai giảng dạy ở trường, có không ít phản đối từ nhiều phía, kể cả từ chính trong tập thể sư phạm nhà trường.

“Nhưng ít nhất mình nhận được sự ủng hộ từ phía học sinh và phụ huynh, đây cũng chính là sự cổ vũ cho mình và những đồng nghiệp tiếp tục dấn bước. Những việc làm của mình là trọn chữ tâm với học trò, chỉ mong sao các em vững vàng hơn khi hòa nhập, và nếu có được cái nghề để mưu sinh nữa thì càng tốt”.

Nghĩ vậy nên song song với việc triển khai chương trình C6 và C7, thầy Nguyễn Duy Quy bắt đầu tìm hiểu thêm một số nghề phù hợp với tâm lý cũng như sức khỏe của HS mình, “mà cũng phải thông dụng, phổ biến để các em có thể tự nuôi sống bản thân sau này”.

Nghề mà thầy chọn đầu tiên là nghề làm hương. “Mình cứ lân la đến một doanh nghiệp quen để hỏi cách làm nghề, học nghề này mất bao nhiêu lâu thì có thể thành thạo, đầu tư máy móc như thế nào… Thấy có thể triển khai cho học sinh của mình được, mình đánh liều xin một cái máy, thế mà người ta hỗ trợ”.

Thầy Quy cũng xin thêm được một máy làm hương từ tổ chức phi chính phủ tài trợ chỉ với câu nói “Các anh hãy giúp cho trò tôi một cái nghề”. Đích thân thầy cùng giáo viên đứng tại xưởng dạy nghề làm hương cho học trò.

Khi đầu ra của nghề làm hương tương đối ổn, thầy Quy liên hệ với các tiệm làm móng tay, gội đầu để xin cho HS học nghề. “Không ngờ nhiều tiệm sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho các em” - thầy Quy kể, không giấu được niềm vui. Không vui sao được khi người thầy ấy hiểu rằng, với những HS đặc biệt của mình, được lao động, với các em, không chỉ là có thêm thu nhập để có thể tự nuôi sống bản thân mà hạnh phúc hơn cả là thấy mình được là người hữu dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ