Anh Yuan và vợ cũ Lu, đều 32 tuổi (đã đổi tên) hiện sống cùng nhau trong một căn hộ ở Thượng Hải. Cùng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Giang Tô, họ đã có 5 năm hôn nhân sau những ngày yêu thời đại học.
Tháng 10 vừa qua họ ly dị. Tuy nhiên, họ quyết định vẫn sống chung vì khó chia tách căn hộ trị giá khoảng 8 triệu nhân dân tệ (1,2 triệu đôla Mỹ) ở quận Trường Ninh.
"Không ai trong chúng tôi đủ khả năng mua một nửa còn lại của ngôi nhà. Thêm vào đó, không ai muốn chuyển đi để thuê một căn hộ nhỏ, tồi tàn hoặc xa xôi. Điều đó khiến chất lượng cuộc sống giảm sút", Yuan nói.
Một lý do khác khiến anh và vợ cũ khó chia nhà là vì bố mẹ hai bên dùng tiền tiết kiệm của mình để giúp các con.
"6 người từ hai bên gia đình đã bỏ tiền để cùng mua căn hộ này. Có người góp ít, có người góp nhiều hơn. Bố mẹ hai bên nghĩ rằng một căn hộ ở Thượng Hải là sự đầu tư dài hạn cho cuộc sống của chúng tôi tốt hơn. Nếu chúng tôi chia nó ra, họ sẽ hoang mang lắm", anh phân tích.
Yuan cho biết, hiện tại, giá nhà thuộc các quận trong đường vành đai ở Thượng Hải vẫn ở mức cao. Vì vậy, cả anh và vợ cũ đều cố gắng làm việc chăm chỉ, tích lũy tiền tiết kiệm với hy vọng có thể trả một nửa giá trị căn hộ cho người còn lại.
Ảnh: cnlaw@policy. |
Các chuyên gia về hôn nhân và luật sư chuyên giải quyết ly hôn cho biết, từ năm 2016, nhiều cặp ly hôn, thường ở tuổi 30 - 40 tuổi đã phải sống chung như vậy. Nguyên nhân là do giá bất động sản tăng vọt trong nhiều năm liền, tại các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, Quảng Đông.
"Một số người nghĩ giá nhà đất đang giảm nhẹ nên muốn đợi để chúng tăng lên, những người khác thì không thỏa thuận được về giá của căn hộ. Các yếu tố này khiến họ chấp nhận tiếp tục sống cùng nhau", Shu Xin, giám đốc một tập đoàn tư vấn hôn nhân nói.
Shen Ye, 36 tuổi và người vợ 32 tuổi đã ly dị vào năm ngoái, nhưng họ vẫn sống chung. Cặp đôi giấu gia đình về quyết định này. Khi cưới nhau, hai người chọn mua căn hộ rộng 55 mét vuông ở quận Hải Điến, Bắc Kinh thay vì một căn hộ rộng gấp đôi có cùng mức giá ở nơi xa hơn.
Shen Ye tin rằng mua nhà ở đây, đứa con 20 tháng tuổi của mình sẽ có môi trường học tập tốt nhất.
"Nếu chia nhà, chúng tôi chỉ có thể mua được một căn hộ một phòng ngủ ở ngoài đường vành đai thứ năm. Chúng tôi đã thống nhất chuyện ly hôn sẽ không được ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng con gái", Shen nói.
Anh cho biết, cuộc sống không thay đổi nhiều sau ly hôn, ngoại trừ việc anh và vợ cũ ngủ và có tài chính riêng. Với các khoản chi phí của con gái, họ vẫn cùng chi trả.
Một số thẩm phán cho biết, tòa án sẽ không cho phép các cặp đôi ly hôn nếu các bên không thống nhất được việc phân chia tài sản.
"Nhà ở đảm bảo cuộc sống cơ bản của mỗi người. Chúng tôi thường không cho phép ly hôn nếu nó khiến người vợ hay người chồng thành vô gia cư. Ở góc độ pháp lý, quyền được sống là ưu tiên hàng đầu", Guo Haiyun, chánh án tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải nói.
"Vì thế, với những người muốn chấm dứt hôn nhân, việc chia đôi nhà là một cách để xử lý cho vấn đề bất động sản sở hữu chung, khi giá nhà trên trời như hiện nay", ông nói.
Lợi hại nhờ sống chung sau ly hôn
Một số luật sư nhận định, việc tiếp tục sống chung sau ly hôn có thể gây ra nhiều bất lợi, bao gồm xích mích về chi phí sinh hoạt chung và dễ nhầm lẫn mối quan hệ hiện tại. Điều này khiến họ gặp bất lợi khi muốn bắt đầu một cuộc sống mới.
Cao Ziyan, một luật sư chuyên giải quyết các vụ ly hôn cho hay, nếu vợ chồng cũ sống với nhau, khó để cha hoặc mẹ được toàn quyền nuôi dưỡng con mình, bởi khó chứng minh rằng người chồng hoặc vợ cũ không chăm sóc hay trả phí sinh hoạt, học tập cho con.
Cố vấn hôn nhân Zhou Xiaopeng thì tin rằng, nhiều cặp vợ chồng cũ đủ khả năng thuê một ngôi nhà riêng nhưng vẫn sống chung vì còn tình cảm. Vị này tiết lộ, một số người đến xin mình lời khuyên và đã tái hôn sau đó.
"Sau ly hôn, kỳ vọng của các cặp đôi dành cho nhau đã được hạ thấp. Mối quan hệ của họ không còn trong tình trạng căng thẳng. Điều đó giúp họ hòa hợp với nhau hơn", Zhou tiết lộ.
Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng đều trong nhiều năm qua. Năm 1987, chỉ 0,55% các cặp vợ chồng ly hôn, nhưng đến năm 2017, con số này đã tăng lên 3,2%.
Li Jianmin, giáo sư nhân khẩu học tại Viện Dân số và Phát triển thuộc đại học Nam Khai (Thiên Tân), cho biết: "Giống như ly hôn, chi phí kết hôn ngày càng tăng và đặc biệt là giá nhà cao đáng kinh ngạc ở một số thành phố lớn liên quan mật thiết đến việc tỷ lệ kết hôn giảm".
Vị này khẳng định, cả kết hôn và ly hôn đều đã được đặt lên bàn cân kinh tế, giống như các vấn đề xã hội khác.