Cảnh giác với tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, công an khuyến cáo người dân cảnh giác, chọn lọc thông tin, không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, góp phần chung tay phòng chống dịch hiệu quả.

Cảnh giác với tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời gian gần đây, tin giả vẫn lan truyền trên mạng xã hội và trong cuộc sống, gây hoang mang dư luận. Cơ quan chức năng đề nghị mọi người nâng cao cảnh giác, đấu tranh loại bỏ những thông tin xấu, độc, giả mạo.

Theo đại diện Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), những ngày gần đây, cùng với các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, lợi dụng sự chú ý của cộng đồng, tin giả liên quan đến dịch bệnh cũng đang xuất hiện nhiều trên không gian mạng, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Mới đây nhất, tối 29/1, qua rà quét không gian mạng, VAFC phát hiện thông tin: “24h đêm mai phong tỏa Hà Nội…”. Qua kiểm tra, VAFC khẳng định đây là tin giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khẳng định là tin giả. Ảnh: VAFC.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khẳng định là tin giả. Ảnh: VAFC.

VAFC sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đề nghị cộng đồng mạng không lan truyền, chia sẻ tin giả này.

Bộ Y tế chiều 29/1 cũng đăng tải thông tin bác bỏ tin giả “Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa covid”. Theo đó, ngày 05/8/2020 tài khoản mạng xã hội Facebook tên “Huy Hung” đã đăng tải bài viết với nội dung sai sự thật “Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa covid. Bà con cẩn thận khi mua”.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hình ảnh trên được lấy từ bài viết “Hình ảnh cửu vạn nườm nượp cõng hàng lậu vượt biên trái phép” của  Báo Lao động điện tử ( ngày 16.1.2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19).

Đến nay cơ quan chức năng chưa có kết luận nào về việc khẩu trang tái chế, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có chứa COVID-19. Thông tin trên đã có hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận.

Cảnh giác với tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội ảnh 2

Cũng trong ngày 29/1, Cơ quan chức năng cho biết đã tiến hành xử phạt 2 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 với tổng số tiền 15 triệu đồng.

2 bài đăng chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 tại Sơn La
2 bài đăng chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 tại Sơn La 

Theo đó, qua công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh mạng, ngày 28/1, Công an TP. Sơn La phát hiện 2 tài khoản facebook đăng tải 2 bài viết sai sự thật chưa được các cơ quan có thẩm quyền công bố, kiểm chứng về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo cơ quan chức năng, hành vi của 2 chủ tài khoản Facebook nêu trên đã vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân”.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính mỗi trường hợp số tiền 7,5 triệu đồng.

Trước đó, hôm 28/1, Bộ Y tế công bố hai ca mắc COVID-19 mới, trong đó có một bệnh nhân (BN 1553) là nhân viên cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh). Cùng thời điểm này, mạng xã hội lan truyền thông tin đoàn phóng viên, biên tập viên của VTV thực hiện chương trình Chiều cuối năm ở Vân Đồn đã tiếp xúc với vợ bệnh nhân 1553 và trở thành F1 khi người này dương tính. Theo thông tin được chia sẻ, các thành viên trong đoàn hiện đang ở tại nhà, chờ xe đến đưa đi cách ly. “Đoàn đó rất đông, mà cách ly 14 ngày may mắn âm tính hết thì lúc hết cách ly là đêm 30 Tết", nội dung thông tin được lan truyền.

Thu Hà không hài lòng trước những thông tin sai lệch về ê-kíp "Chiều cuối năm". ẢNH: FBNV
Thu Hà không hài lòng trước những thông tin sai lệch về ê-kíp "Chiều cuối năm". ẢNH: FBNV

Trước tin tức lan truyền này, biên tập viên Thu Hà đã có những phản hồi cụ thể trên trang cá nhân. Cô cho biết trong lúc thực hiện chương trình tại sân bay Vân Đồn, đoàn đã luôn thực hiện quy trình phòng dịch đầy đủ, đặc biệt là ở khu khách quốc tế.

“Chuyến bay quốc tế chúng tôi chọn ghi hình, toàn bộ hành khách đã có xét nghiệm âm tính trước khi hạ cánh Việt Nam. Và sau đó cũng âm tính tiếp khi ở Việt Nam, không có ca nào dương tính đến lúc này”, nữ biên tập viên cho hay.

Nói về trường hợp 10 ca nhiễm là nhân viên an ninh tại sân bay, Thu Hà khẳng định không có ca nào trực vào ngày ê-kíp Chiều cuối năm đến ghi hình và cũng không có ca nào trực trước đó ở khu vực quay hình. Vì vậy, nữ biên tập cho rằng cô và các đồng nghiệp không tiếp xúc với ca nhiễm, không phải là F1 như thông tin được chia sẻ.

Cũng thời điểm ngày 28/01, mạng xã hội lan truyền mạnh thông tin về một tờ khai sai có nội dung một bệnh nhân COVID-19 tên Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh khai đi hát Karaoke "tay vịn" gây xôn xao trong cộng đồng mạng và dư luận xã hội.

Mạng xã hội lan truyền một văn bản sai sự thật thông tin về lịch trình của một bệnh Covid-19 tên Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh, trong đó đáng chú ý có nội dung bệnh nhân khai đi hát Karaoke "tay vịn".
Mạng xã hội lan truyền một văn bản sai sự thật thông tin về lịch trình của một bệnh Covid-19 tên Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh, trong đó đáng chú ý có nội dung bệnh nhân khai đi hát Karaoke "tay vịn".

Theo thông tin từ cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, truy vết nguồn gốc tờ kê khai này, đối chiếu với danh sách bệnh nhân và những người có liên quan đến các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại Quảng Ninh không có bệnh nhân nào có tên là Phạm Anh Tuấn. 

Có 01 trường hợp Phạm Anh Tuấn, địa chỉ Cẩm Phả thuộc diện F1 hiện đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh. Anh Tuấn đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1.

Nội dung tờ khai trên không phải do anh Tuấn hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà là do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng, chống dịch.

Hiện cơ quan chức năng đang truy nguồn gốc bản kê khai trên, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận liên quan đến bản kê này.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam cảnh báo đề nghị cộng đồng cần cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin không chính thức, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.