Cảnh giác với tin giả

GD&TĐ - Chúng ta chia sẻ với đồng bào mình là chuyện dĩ nhiên, nhưng trước các tin tức 'ngoài luồng' thì cũng nên cảnh giác trước khi thể hiện lòng mình.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong lúc các tỉnh, thành phía Bắc gồng mình chống chọi với lũ dữ và người dân cả nước cũng đang kề vai sát cánh với đồng bào mình thì hàng loạt hình ảnh và clip giả tràn ngập trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, không ít cá nhân và trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi lại đi chia sẻ thứ “hàng giả” này.

Trước hết là thông tin về bão. Ngay trong lúc cả nước đang mong chờ phép màu đối với số người mất tích trong các trận lở núi thì một số trang mạng đã tung tin bão sắp đổ vào miền Trung cách đây một tuần làm nhiều người hoang mang! Tiếp theo là các clip lấy nhiều nước mắt của người xem.

Đôi vợ chồng cùng đứa con quay một clip để đưa lên YouTube từ hồi hè. Nội dung trong đoạn clip nói đến người chồng “động viên” vợ và đứa con nhỏ đang ngồi trên chiếc thuyền thúng rằng “anh sẽ luôn ở đây, không để bất cứ điều gì làm tổn thương đến em và con”. Thế rồi một Facebooker đưa lên trang của mình với dòng chú thích là cảnh vừa ghi được tại vùng lũ khiến ai xem cũng cảm động.

Một clip khác cũng được một giáo viên tại Hà Giang quay đã lâu, nội dung nói về một em bé ngày đầu đi học và khóc nhè. Cô giáo ghi lại cảnh này cũng chỉ để làm kỷ niệm vui vui. Thế nhưng, một Facebooker đưa lên trang của mình kèm chú thích là cháu bé chứng kiến cảnh mẹ bị nước lũ cuốn trôi nên thét gào gọi mẹ khiến hàng ngàn người xem clip đã cảm động “khóc theo”.

Có vô số những clip và hình ảnh khác như cảnh hai em bé “ngủ trong bùn” lem luốc; một cháu bé ôm cây cột giữa dòng nước lũ; cảnh hàng chục con bò cố vùng vẫy giữa nước lũ trên sông để thoát thân… Những hình ảnh này, hoặc là lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, tức cảnh có thật nhưng xảy ra ở nước ngoài, hoặc ảnh được tạo dựng bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Câu hỏi được đặt ra là, những kẻ đưa các tin giả này nhằm mục đích gì? Chắc chắn là không phải đưa tin giả để… nghịch vui rồi.

Nắm bắt tâm lý của người dân đang quan tâm đến câu chuyện đau buồn sau cơn bão số 3, một số trang mạng đã lồng ghép hình ảnh ngụy tạo hoặc chú thích sai bản chất của tấm ảnh, của clip nhằm tạo sự hoang mang cho người dân hoặc đánh vào sự mủi lòng của người đời trước những cảnh tang thương với mục đích cuối cùng là nhằm tăng lượng người like, comment hoặc theo dõi trang của chúng để mang lại nguồn thu lớn.

Vì tiền cả đấy chứ không phải đó là trò “nghịch cho vui” đâu. Thế nên, chúng ta like, comment, theo dõi hoặc chia sẻ những thứ tin giả này là vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.

Một hiện tượng khác cũng cần phải đề phòng. Đó là các trang giả danh những tổ chức thiện nguyện, thậm chí giả danh Mặt trận Tổ quốc các cấp để “kêu gọi đồng bào ủng hộ vùng lũ” với những lời lẽ hết sức bi thiết. Những ai nhẹ dạ mà tin bọn này thì sẽ vô tình trao tiền cho kẻ gian vì số tiền “kêu gọi” ấy không bao giờ đến tay người bị nạn mà vào túi bọn ma cô này.

Chúng ta chia sẻ với đồng bào mình là chuyện dĩ nhiên nhưng trước các tin tức “ngoài luồng” thì cũng nên cảnh giác trước khi thể hiện lòng mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tiếng Việt mùa nước lũ

GD&TĐ - 'Sao kê', 'phông bạt' là những tiếng lóng đang được thịnh hành trên mạng xã hội ở thời điểm này.