Trào lưu dùng nước cốt chanh khi vừa ngủ dậy, bụng còn trống rỗng nhằm thải độc, hoặc nhỏ nước cốt chanh vào mắt để rửa sạch bụi bẩn, giúp sáng mắt và tăng cường thị lực đang lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều người làm theo, bất chấp nhiều hệ lụy.
Nguy cơ tổn thương
Một tài khoản mạng xã hội gây tranh cãi khi chia sẻ bí quyết “làm sáng mắt, thông mũi, hết nghễnh ngãng tai” bằng cách nhỏ nước cốt chanh trực tiếp vào mắt, mũi, tai. Người này khẳng định: “Bạn nào bị các bệnh về tai, mũi, họng nhỏ vào rất xót, nhất là các bạn bị bệnh sẵn nhưng sau đó dịch tuôn ra, dần dần khỏi lúc nào không hay”.
Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Một số người hào hứng cho rằng “chanh có tính kháng khuẩn, giúp làm sạch tự nhiên, không cần thuốc tây”.
Thậm chí, một tài khoản mạng gây nhiều tranh cãi khi đăng tải hình ảnh nhỏ nước cốt chanh vào mắt trẻ để chữa lẹo. Không ít người bày tỏ ủng hộ trước phương pháp này. Một tài khoản đã đặt câu hỏi về việc liệu có nên làm theo, nhỏ nước cốt chanh vào mắt cho con hay không.
Trước những chia sẻ này, nhiều người và đặc biệt là các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo. Một tài khoản bày tỏ: “Thương cháu bé, chắc cháu ám ảnh mỗi lần bị đè ra nhỏ chanh vào mắt lắm”.
Trong khi đó, tài khoản khác đặt câu hỏi: “Người lớn mình thử nhỏ chanh vào mắt xem có xót không mà chơi trò đổ chanh vào mắt con thế nhỉ?”...; “Sao có thể nhỏ nước chanh vào mắt em bé như vậy. Thậm chí, còn có trào lưu nhỏ vào mắt trẻ sơ sinh, giời ạ! Chúng ta thử tưởng tượng đang vắt chanh, nhỡ bắn một chút vào mắt thôi đã cay xè rồi, giờ nhỏ cả mấy giọt vào mắt bé, sao chịu được”...
Theo bác sĩ Dương Minh Tuấn - khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai để chữa các triệu chứng như viêm, nghẹt mũi hay đau tai là hành động tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tuyệt đối không nên áp dụng.
Nước cốt chanh có độ pH khoảng 2,0, mang tính axit mạnh. Khi tiếp xúc trực tiếp với mắt, axit trong chanh có thể gây bỏng rát, xung huyết kết mạc, viêm giác mạc, thậm chí loét giác mạc nếu tái diễn nhiều lần.
Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ (AAO) cảnh báo, mắt người độ pH trung tính (~7,0), mọi chất có tính axit hoặc kiềm mạnh đều có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho bề mặt nhãn cầu. Tương tự, niêm mạc mũi vốn rất mỏng và nhạy cảm, việc nhỏ chanh có thể gây viêm mũi kích ứng, đau rát, chảy máu mũi.
Với tai, môi trường trong ống tai ngoài cũng có độ pH trung tính, dễ bị tổn thương bởi các chất có tính axit. Nhỏ nước chanh vào tai có thể gây viêm ống tai ngoài, và nếu axit đi sâu hơn, thậm chí có thể gây thủng màng nhĩ.
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa bao giờ công nhận nước cốt chanh là dung dịch điều trị tại chỗ cho mắt, mũi hoặc tai”, bác sĩ Tuấn chia sẻ và cho biết, trong y học cổ truyền, chanh và các loại họ cam quýt thường được dùng để tiêu đàm, thanh nhiệt, hóa tích… dưới dạng uống (nước sắc, pha mật ong), xông hơi hoặc xoa bóp với tinh dầu. Không có tài liệu chính thống nào ghi nhận việc nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai để chữa bệnh.
Theo bác sĩ Tuấn, việc tự ý sử dụng nước cốt chanh theo lời truyền miệng, đặc biệt với trẻ em và người lớn tuổi, có thể gây ra những hậu quả nặng nề, thậm chí không thể phục hồi nếu tổn thương lan rộng. Trong mọi trường hợp có triệu chứng bất thường ở tai, mũi, mắt, người dân nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, thay vì thử nghiệm các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng.

Thần dược chữa bách bệnh?
Không chỉ dùng chanh để nhỏ vào mắt, mũi tai, nhiều người coi nước cốt chanh là “thần dược”. Bất chấp cảnh báo của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về sự thiếu căn cứ khoa học và những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của trào lưu uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói để thải độc và chữa bệnh, dường như trào lưu này vẫn tiếp tục “bùng nổ”.
Rất nhiều video, hình ảnh, bình luận chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hướng dẫn mọi người cách uống nước cốt chanh, uống thật nhiều, liều cao với niềm tin có thể “tiêu tan” bách bệnh. Không chỉ thải độc tố, giảm cân, hết đau dạ dày, trào ngược mà còn hết gan nhiễm mỡ, không còn viêm nhiễm phụ khoa… Thậm chí, có người còn cho biết, mãn kinh 3 năm “bất ngờ có kinh trở lại” nhờ uống nước cốt chanh liều cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), việc uống nước chanh - đặc biệt là nước cốt chanh nguyên chất - mỗi sáng đang trở thành xu hướng phổ biến trên mạng xã hội và các nền tảng sức khỏe. Với lời hứa về khả năng “giải độc”, “giảm cân”, “làm đẹp da” hay “tăng miễn dịch”, nhiều người chọn thói quen này mà không cân nhắc kỹ lưỡng về mặt y học và khoa học.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, chanh chứa lượng calo thấp nhưng rất giàu các chất có lợi. Trong đó, một quả chanh cung cấp 20 - 50 mg vitamin C, hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi oxy hóa. Axit citric chiếm 5 - 6% nước cốt chanh, hỗ trợ ngăn sỏi thận và hấp thu khoáng chất.
Ngoài ra, kali, flavonoid và polyphenol trong nước chanh có vai trò điều hòa huyết áp và chống viêm. Tuy nhiên, nước cốt chanh lọc kỹ không còn chất xơ, mất đi lợi ích tạo cảm giác no hay ổn định đường huyết.
Về những lợi ích có cơ sở khoa học của nước cốt chanh, bác sĩ Hoàng cho biết, chanh giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa sỏi thận canxi oxalat. Bởi, axit citric tăng lượng citrate trong nước tiểu, ngăn hình thành tinh thể.
Nước chanh còn giúp tăng hấp thu sắt. Vitamin C và axit citric giúp hấp thu sắt non-heme từ thực vật, phòng thiếu máu. Ngoài ra, chanh còn có tác dụng làm đẹp da, hỗ trợ tổng hợp collagen, chống oxy hóa, hỗ trợ hydrat hóa (đặc biệt hiệu quả khi pha loãng), có thể giúp giảm calo gián tiếp khi thay nước ngọt bằng nước chanh pha loãng.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh, các lợi ích như “giải độc gan”, “đốt mỡ” hay “kiềm hóa máu” chưa bao giờ được khoa học xác nhận. Chuyên gia này đã chỉ ra một số rủi ro y học khi dùng nước cốt chanh nguyên chất hằng ngày.
Trong đó, axit citric trong chanh có thể hòa tan men răng, dẫn đến ê buốt, vàng răng và sâu răng. Nguy cơ này cao hơn khi uống nguyên chất, không dùng ống hút, hoặc uống trước khi đánh răng.
Việc uống nước chanh nguyên chất cũng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, đặc biệt với người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày. Uống khi bụng đói dễ gây ợ nóng, buồn nôn. Người bệnh thận cần hạn chế kali, có thể gặp vấn đề nếu uống quá nhiều nước chanh. Một số nghiên cứu còn nghi ngờ về ảnh hưởng đến pH nước tiểu.

Một số rủi ro khác bao gồm: Đau nửa đầu do tyramine trong chanh, loét miệng, tăng nhạy cảm ánh nắng (nếu dùng ngoài da) do tính axit và các hợp chất nhạy cảm ánh sáng. Axit citric và limonene có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc như warfarin (chống đông máu), statin (giảm mỡ máu), itraconazole (thuốc chống nấm),…
Theo bác sĩ Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, nước chanh pha loãng là hình thức an toàn hơn rõ rệt, trong khi nước cốt nguyên chất không khuyến khích dùng hằng ngày. Khi sử dụng chanh, mọi người được khuyến nghị luôn pha loãng 1/4 - 1/2 quả chanh với 240 - 300ml nước.
Uống bằng ống hút, tránh tiếp xúc với răng. Lưu ý súc miệng sau khi uống, chờ 30 - 60 phút mới đánh răng. Không uống khi bụng đói nếu có bệnh dạ dày và không uống quá 1 - 2 ly/ngày. Mọi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, bệnh thận mạn, đang dùng thuốc tương tác, mòn men răng, dị ứng họ cam quýt cần cẩn trọng khi uống nước chanh. Trong khi đó, phụ nữ có thai và cho con bú nên dùng lượng hợp lý như trong thực phẩm thông thường, không nên uống liều “tập trung”.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, mọi người nên uống nước chanh một cách hiểu biết. “Việc uống nước chanh pha loãng có thể là một phần hữu ích trong chế độ ăn uống lành mạnh nếu được thực hiện đúng cách. Trái lại, thói quen uống nước cốt chanh nguyên chất hằng ngày tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt về răng và tiêu hóa”, chuyên gia này chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu quan điểm: Các hội nhóm mua bán tấp nập, các nick clone chia sẻ hiệu quả hàng ngày sự thần thánh đến độ trường sinh bất lão khi uống nước cốt chanh. Nhưng sự thật có đúng vậy không? Đương nhiên là không, uống axit cô đặc vào dạ dày sẽ có tác dụng cộng gộp. Lớp nhày bảo vệ niêm mạc có tác dụng giới hạn, lâu dài sẽ gây hệ lụy. Đã có người thủng dạ dày đi cấp cứu, chưa kể các rối loạn chuyển hóa. Trend thụt tháo bằng cà phê đang dần đi vào thoái trào do nó gây viêm trực tràng và mất cảm giác đại tiện. Dân thực dưỡng đang chuyển sang món hại dạ dày này.