(GD&TĐ) - Theo TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nếu tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết của động vật gặm nhấm (mà chủ yếu là chuột) bị nhiễm bệnh như nước tiểu, phân, nước bọt… do hít vào đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp vào vùng da bị tổn thương, niêm mạc mắt, mũi, miệng thì người vẫn có nguy cơ bị nhiễm Hantavirus.
Vừa qua, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. HCM ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nam 55 tuổi nhập viện có biểu hiện giống bệnh sốt xuất huyết với giảm tiểu cầu, sốt cao, có kèm suy thận cấp. Kết quả xét nghiệm dương tính với Hantavirus. Khoảng một tháng trước khởi bệnh, trong khi nằm ngủ ông bị chuột cống cắn vào ngón chân. Sau hơn 10 ngày nằm viện điều trị hiện sức khỏe bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện với chẩn đoán là Nhiễm Hantavirus.
Hantaviruses là một nhóm nhiều loại virus thuộc họ Bunyaviridae, được đặt tên theo nơi lần đầu tiên phát hiện ra tại sông Hantaan Hàn Quốc vào năm 1978. Hantavirus được mang và lây truyền bởi loài gặm nhấm. Mỗi loại Hantavirus thích ứng với một loài gặm nhấm và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như virus Hantaan có ký chủ là loài chuột đồng Apodemus agrarius hiện diện ở vùng Viễn đông, Bắc Á, Nga, Balkans; virus Seoul có ký chủ là loài chuột nhà Rattus norvegicus hiện diện ở khắp nơi trên thế giới…
Lũ chuột xuất hiện rất đông ở những nơi đổ thức ăn bừa bãi |
Người bị nhiễm Hantavirus khi tiếp xúc với chất bài tiết của động vật gặm nhấm (mà chủ yếu là chuột) bị nhiễm bệnh (như nước tiểu, phân, nước bọt) do hít vào đường hô hấp hoặc do tiếp xúc trực tiếp vào vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc mắt, mũi, miệng. Một số trường hợp nhiễm bệnh trực tiếp do bị chuột mắc bệnh cắn. Khả năng lây truyền Hantavirus từ người bệnh sang người lành là cực kỳ hiếm.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phòng ngừa Hantavirut và các bệnh truyền nhiễm khác do chuột, người dân không nên đổ thức ăn bừa bãi, nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh khu vực đang sống. Nếu nuôi các loại thú nuôi thuộc họ gặm nhấm như chuột, bọ, sóc…cần thận trọng khi chăm sóc, tránh để tiếp xúc với nước tiểu, phân vào các vùng da bị tổn thương, văng vào mắt, mũi, miệng. Tránh để bị chuột cắn.
Cho đến nay nhiễm Hantavirus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ cân bằng thể tích tuần hoàn, cân bằng các chất điện giải, duy trì huyết áp, lọc thận đối với trường hợp suy thận nặng, thở máy hồi sức hô hấp đối với trường hợp tổn thương phổi… Tương tự như các bệnh do virus khác, nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch sẽ hồi phục dần dần và hồi phục hoàn toàn.
Hiện tại chưa có vaccin dự phòng đối với Hantavirus. Ngăn ngừa chủ yếu là kiểm soát các loài gặm nhấm (diệt chuột..). Khi nuôi các loại thú nuôi thuộc họ gặm nhấm (chuột, bọ, sóc…) cần thận trọng khi chăm sóc, tránh để tiếp xúc với nước tiểu, phân vào các vùng da bị tổn thương, văng vào mắt, mũi, miệng. Tránh để bị cắn.
Khi đã tiếp xúc với các nguồn nguy cơ nêu trên và có các triệu chứng bất thường, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hải Hà