Cảnh giác lối sống theo xu hướng: Những trào lưu ảnh hưởng tới sức khỏe

GD&TĐ - Mạng xã hội có rất nhiều video hữu ích và thú vị, chẳng hạn như hướng dẫn nấu ăn, trang điểm, hay clip hài hước để giải trí sau một ngày dài.

Các bác sĩ cảnh báo trào lưu dán miệng khi ngủ để giảm cân, ngủ ngon trên TikTok là 'nguy hiểm', có thể gây ngạt thở. Ảnh minh họa: INT
Các bác sĩ cảnh báo trào lưu dán miệng khi ngủ để giảm cân, ngủ ngon trên TikTok là 'nguy hiểm', có thể gây ngạt thở. Ảnh minh họa: INT

Mạng xã hội có rất nhiều video hữu ích và thú vị, chẳng hạn như hướng dẫn nấu ăn, trang điểm, hay clip hài hước để giải trí sau một ngày dài. Tuy nhiên, khi nói đến các trào lưu sức khỏe, việc làm theo tất cả các gợi ý có thể tác động xấu khi chưa có sự kiểm chứng, hướng dẫn từ chuyên gia hay ngành Y tế.

Mỗi năm, có một vài trào lưu sức khỏe mới mà những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội “khơi mào”. Hầu hết những video này làm với nội dung thu hút đông đảo giới trẻ. Và sau đó, chúng lan truyền với tốc độ chóng mặt, với thuật ngữ “bắt trend” nhằm mô tả việc bắt chước một xu hướng hoặc một trào lưu nào đó đang gây sốt trên thị trường.

Một số ví dụ nổi bật như nhét tỏi vào mũi để thông mũi, uống bột protein khô để tăng cường tác dụng,… Theo các chuyên gia tâm lý, nội dung trên mạng xã hội có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm lý của người xem, đặc biệt là giới trẻ.

Khi các hình ảnh và lời nói được lặp đi lặp lại trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận điều đó, dù có là không đúng với chuẩn mực. Người trẻ thiếu năng lực thông tin, cũng như kiến thức về mặt bảo vệ sức khỏe nên rất dễ bắt chước theo.

“Thải độc” với nước chanh và hạt chia

Thời gian gần đây, nhiều trào lưu chưa được khoa học chứng minh lần lượt nở rộ trong giới trẻ, đặc biệt, học sinh, sinh viên dễ làm theo.

Một số người dùng mạng xã hội đã tung hô lợi ích của nước chanh pha với hạt chia như “thần dược” thải độc. Theo trào lưu này, bỏ 2 thìa hạt chia vào một cốc nước chanh, để yên trong 10 - 15 phút rồi uống nhanh nhất có thể. Mục đích là để “giảm táo bón, giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng”.

Một số bạn trẻ đã dùng thử cho biết từng thực hiện thử thách uống một lần mỗi ngày trong vài ngày đến một tháng. Trong khi một số người cho rằng xu hướng này đáng để thử, những người khác lại bị đầy hơi hoặc táo bón.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), hạt chia chứa hàm lượng chất xơ hòa tan cao, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe tiêu hóa và giải độc.

Chất xơ hòa tan hoạt động như một chất tẩy rửa tự nhiên cho đường tiêu hóa, giúp loại bỏ độc tố, chất thải và tạp chất ra khỏi cơ thể. Bằng cách hỗ trợ tiêu hóa và nhu động ruột khỏe mạnh, hạt chia giúp ngăn ngừa sự tích tụ độc tố có thể biểu hiện dưới dạng các vấn đề về da như mụn trứng cá, xỉn màu và tắc nghẽn…

Khoảng 2 thìa hạt chia cung cấp khoảng 10 gram chất xơ, vì vậy chúng có thể giúp “giảm các triệu chứng táo bón nhẹ”. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều chất xơ, đặc biệt là khi không uống đủ nước, có thể dẫn đến đầy hơi, đau bụng hoặc tiêu chảy, chưa kể đến việc kết hợp với nước chanh. “Bạn không cần thải độc từ bên trong theo cách này mà chỉ cần một chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước mỗi ngày”, bác sĩ Hải cho hay.

canh-giac-loi-song-theo-xu-huong-nhung-trao-luu-anh-huong-den-suc-khoe-8828-1545.jpeg
Nhiều quan điểm cho rằng nước chanh và hạt chia giúp no lâu, giảm béo. Ảnh minh họa: INT

Uống nước diệp lục

Trào lưu này đã trở thành xu hướng trong thời gian dài, khẳng định “có nhiều lợi ích sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, chữa lành vết thương, giảm cân, kiểm soát táo bón và tăng cường năng lượng”. Các chuyên gia cho biết những lợi ích trên có thể chỉ là tác dụng của việc uống nhiều nước nhiều hơn.

“Nghiên cứu khoa học chưa chứng minh được rằng nước diệp lục là độc hại hay nguy hiểm, nhưng cũng không cho thấy bất kỳ lợi ích sức khỏe nào nên các bạn trẻ không nên lạm dụng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Dán miệng bằng băng dính khi ngủ

Trên thị trường, nhất là trên các chợ online bán rất nhiều loại miếng dán băng keo vào miệng khi ngủ. Những sản phẩm này được quảng cáo như chống ngáy ngủ, giúp ngủ ngon, ngủ sâu chỉ vài phút; miếng dán chống thở bằng miệng để tránh khô miệng, hôi miệng, chứng ngưng thở khi ngủ… Thế nên, trên các trang mạng xã hội xuất hiện trào lưu dán băng keo vào miệng, song nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Theo chia sẻ của các video hướng dẫn, người thực hiện sẽ dán kín miệng mình trước khi chìm vào giấc ngủ dài. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, khi ngủ, không khí từ môi trường bên ngoài sẽ đi qua mũi hoặc miệng, vào trong hầu họng, tiếp đó đi xuống vùng thanh quản, khí quản, đến phổi.

Khi chúng ta thức dậy, các cơ sẽ co lại, làm thông thoáng đường thở. Ngược lại, khi ngủ, các cơ bắp sẽ thư giãn, làm hẹp đường thở. Do đó, không khí được chúng ta hít vào, đi qua một đường thở hẹp sẽ làm rung lắc các mô cơ quan, từ đó tạo ra những tiếng ngủ ngáy nhất là khi ngủ sâu giấc.

Bác sĩ Hải cho biết, người dán băng kín miệng khi ngủ có thể bị sặc, hóc, buồn nôn và nôn, thậm chí ngưng thở khi ngủ. Bởi khi dán vào miệng sẽ khiến cơ thể không thích nghi được. Việc dán liên tục trong suốt đêm này sang đêm khác sẽ gây ảnh hưởng đến vùng niêm mạc môi, thậm chí có thể gây bong tróc lớp da mỏng manh bên ngoài của môi, khiến môi dễ bị khô hơn.

“Nghiện” mukbang

canh-giac-loi-song-theo-xu-huong-nhung-trao-luu-anh-huong-den-suc-khoe-1-5908-649.jpg

Mukbang vốn là trào lưu bắt nguồn từ Hàn Quốc vào những năm 2010. Cụ thể, người thực hiện mukbang sẽ ăn một lượng thức ăn “khổng lồ” và vừa ăn thật nhanh vừa ghi hình và giao lưu với người xem qua Internet. Trào lưu này thu hút rất nhiều các bạn trẻ, lượng người xem cũng tăng lên nhanh chóng đem lại thu nhập “khủng” cho những người thực hiện mukbang.

Tuy nhiên, mukbang nhanh chóng lan truyền thói quen ăn uống rất có hại cho sức khoẻ. Bằng chứng là không ít người thực hiện mukbang đã phải chịu hậu quả về sức khoẻ của bản thân. Thậm chí, để có được danh tiếng và tiền bạc, những người nổi tiếng thực hiện mukbang phải đánh đổi bằng tính mạng của mình.

Thay vì ăn các thực phẩm tươi ngon thông thường, nhiều clip mukbang còn bị biến tướng thành việc ăn côn trùng, thậm chí sâu bọ còn sống để câu view hoặc ăn thức ăn sống. Điều này khiến cho những người thực hiện mukbang rất dễ có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Tại Việt Nam, nhiều hot TikToker cũng dấn thân vào con đường mukbang thức ăn bằng những mâm hải sản ăn sống hay đuông dừa còn sống, hay những mâm bánh kẹo, đồ ngọt “siêu to khổng lồ”…

Một tài khoản TikToker của Việt Nam từng thường xuyên đăng tải các clip mukbang của mình và luôn thu hút lượng người xem rất lớn. Ngồi trước ống kính camera vừa ăn vừa nói chuyện, cô gái trẻ này khiến người xem “hoảng hốt” khi ăn các loại hải sản sống, tiết canh, tủy xương bò, óc lợn, trứng sống. Cũng có lần, trong một video, cô gái này kể mình bị dị ứng do ăn tới 33 con đuông dừa trong thời gian ngắn.

Bác sĩ Lê Thu Hiền - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, về mặt tiêu cực của những clip mukbang này, trong quá trình quay video, những người thực hiện có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu, gây lãng phí thực phẩm.

Việc ăn uống vô độ, nhất là tiêu thụ quá nhiều thực phẩm cay hoặc đường, muối sẽ gây các vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, nguy cơ thừa cân béo phì. Với thói quen sử dụng các món ăn chiên rán, đồ ăn sẵn, đồ ngọt với số lượng lớn sẽ sinh ra nhiều bệnh, tạo hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống, khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý người xem.

Nếu những người có vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan; người béo phì hoặc nguy cơ béo phì; người có bệnh tâm lý như rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề liên quan đến hành vi ăn uống; trẻ em; người mắc bệnh mạn tính “nghiện” xem các clip mukbang và bắt chước theo sẽ rất nguy hại đến sức khỏe.

Những người thực hiện mukbang ăn nhiều loại thức ăn từ đồ nóng đến đồ lạnh, đồ cay, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ... dễ khiến cơ thể tăng nguy cơ mắc các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, gặp vấn đề về đường ruột, dạ dày.

Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều thức ăn một lúc, vừa ăn vừa nói chuyện giao lưu với người xem có thể gây nên việc dạ dày phải hoạt động quá mức, tăng sản xuất a xít dạ dày làm chậm quá trình tiêu hóa của cơ thể. Chưa kể, việc ăn các loại thực phẩm sống như sashimi, gan sống, thịt sống, trứng sống... có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.

“Không ít người thực hiện mukbang tiết lộ họ phải thực hiện việc ‘móc họng’ để nôn hết thức ăn sau khi quay các clip trên điều này dẫn đến gia tăng các nguy cơ về bệnh lý dạ dày”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.

Mỗi người dùng mạng xã hội, nhất là học sinh, sinh viên vừa là người dùng thông thái, vừa có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, phải luôn tỉnh táo, không chia sẻ những thông tin, hình ảnh sai trái, xấu độc, phản văn hóa. Nâng cao ý thức tự giác, sự hiểu biết của bản thân mỗi cư dân mạng để tự lựa chọn cho mình nội dung phù hợp, cái gì nên xem và cái gì không nên xem, ứng xử có văn hóa trên không gian mạng. Về lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp các ngành liên quan, nhất là sự quan tâm của gia đình, nhà trường đối với giới trẻ. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dùng mạng xã hội chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý nội dung các video clip đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội để không gian mạng thật sự hữu ích, an toàn, văn minh, văn hóa. TS Nguyễn Thị Thanh (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ