Cánh đồng trăm triệu trên vùng đất phèn

GD&TĐ - Từ vùng đất nhiễm phèn cây trái khó phát triển, chàng kỹ sư công nghệ thông tin đã “biến” thành cánh đồng trăm triệu với mô hình dây tiêu “ôm” cây tràm.

Anh Nguyễn Vũ Phong đang thu hoạch tiêu.
Anh Nguyễn Vũ Phong đang thu hoạch tiêu.

Chinh phục vùng đất phèn

Anh Nguyễn Vũ Phong, 32 tuổi, ở ấp Tân Lộc (xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Cửu Long rồi đi làm cho công ty chuyên về công nghệ.

Tuy nhiên, sau vài năm cuộc sống vẫn chỉ đủ ăn, trong khi ở quê rất khó trồng các loại cây ăn trái. Vùng Thạnh Trị đất nhiễm phèn nặng, các loại cây ăn trái khó sống, người dân chủ yếu trồng tràm, mía, lúa nhưng năm suất vẫn không cao. Chưa kể, nông dân luôn sống trong cảnh được mùa mất giá, đỉnh điểm là năm 2014 mía rớt giá thê thảm, khiến nông dân thua lỗ nặng, mà gia đình anh là một điển hình. “Trong đầu tôi luôn suy nghĩ phải tìm cái gì đó đột phá thì may ra mới phát triển được, ít nhất là giúp gia đình mình thoát nghèo”, anh Phong chia sẻ.

Đầu năm 2014, anh khăn gói lên Tây Nguyên (Đắk Lắk) học hỏi kỹ thuật trồng tiêu từ một người quen. Sau đó, anh mua 200 gốc mang về trồng thử và cây tiêu phát triển tốt. Ban đầu, anh trồng trụ xi măng cho tiêu leo, nhưng chi phí cao nên 150 gốc sau anh chuyển sang cho tiêu leo trên cây tràm, giống như cách mà nông dân ở Kiên Giang và Hậu Giang đã làm. Anh Phong lý giải: “Làm cách này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa che phủ vườn tiêu nên giảm công tưới nước rất nhiều. Đồng thời, sau vài ba năm mình thu hoạch cây tràm để tăng thêm lợi nhuận”.

Cùng lúc này, anh tận dụng nguồn phân bò ở địa phương đem về ủ để bón cho tiêu. Theo anh Phong, trên địa bàn xã Lâm Tân có gần cả nghìn con trâu, bò. Hàng năm thải ra môi trường mấy chục tấn phân chưa qua xử lí gây mùi hôi và ô nhiễm. “Mình tận dụng nguồn phân bò vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho các hộ nuôi bò mà cây tiêu lại có nguồn phân hữu cơ”, anh Phong bộc bạch.

Phân bò anh sử dụng chế phẩmsinh học Trichoderma ủ cho phân hủy rồi bón vào gốc tiêu. Bên cạnh đó, cỏ mọc quanh gốc tiêu anh tận dụng để làm thức ăn cho bò, còn dưới ao nuôi cá đồng để tăng thêm thu nhập. “Ở đây tôi làm mô hình khép kín, tận dụng tất cả để lấy ngắn nuôi dài”, Phong chia sẻ.

Anh Phong trồng tiêu tươi tốt trên vùng đất phèn.
Anh Phong trồng tiêu tươi tốt trên vùng đất phèn.

Thu nhập ổn định

Theo anh Phong, nông dân bao đời sống lẩn quẩn trong cảnh được mùa mất giá, làm ra sản phẩm đã khó nhưng lại phụ thuộc vào thương lái nên luôn chịu thiệt. Còn trồng tiêu thì khác, khi thu hoạch xong nếu bán chưa được thì trữ lại bao lâu cũng được mà không sợ hư hao, mất mát gì.

Có được sản phẩm, thời gian đầu anh trực tiếp mang đến các chợ huyện như:  Thạnh Trị, Nhu Gia, Mỹ Tú... (Sóc Trăng) chào hàng cho các tiểu thương. Để cạnh tranh với các sản phẩm khác đòi hỏi phải chứng minh được chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch với giá hợp lý. Phong bộc bạch: “Ban đầu chưa ai biết sản phẩm của mình nên phải gõ cửa từng tiểu thương ở các chợ với giá mềm hơn người khác, đồng thời muốn đứng vững được đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng, an toàn”.

Theo lời anh Phong, lộ trình “chậm mà chắc” và chất lượng sản phẩm ưu tiên hàng đầu. Vì thế, phải chuẩn từ nguyên liệu, đó là không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào khác mà chỉ dùng phân hữu cơ, sinh học thuận tự nhiên. Hiện nay, anh cũng đã mua gần chục con bò về nuôi, ngoài thu gom ở địa phương thì tận dụng phân bò tại nhà để bón cho tiêu. Đồng thời nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc mới để thu hoạch tiêu quanh năm, đảm bảo giữ được giá ổn định và xây dựng sân phơi an toàn. Tuy nhiên, điều Phong hướng đến là tiến tới đưa công nghệ vào theo quy trình khép kín, an toàn từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm.

Nhớ lại những khó khăn ban đầu, anh Phong kể, đợt hạn mặn cuối năm 2015 đầu 2016 khi tiêu đang phát triển tốt thì xâm nhập mặn làm cho 1.400 chết. Còn lại vài trăm gốc anh kiên trì chăm sóc và phát triển đến giờ. Hiện nay, anh đã mở rộng lên 2,5ha với 3.500 gốc tiêu, trong đó có trên 2.000 gốc tiêu đang cho trái. Năm 2019, sản lượng đạt 3 tấn tiêu khô với doanh thu 420 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 174 triệu đồng. Trong thời gian tới anh sẽ mở rông thêm diện tích, đồng thời, hỗ trợ cho người dân, thanh niên về kỹ thuật và giống để phát triển…

Theo anh Đặng Tấn Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, anh Nguyễn Vũ Phong là thanh niên chí thú làm ăn, dám nghĩ dám làm để vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Phong luôn nhiệt tình trong phong trào, giúp đỡ thanh niên ở địa phương. Vì thế, đó cũng là một điển hình cho thanh niên vượt khó lập nghiệp làm giàu quê hương.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ