Cánh cửa mới phân luồng học sinh đã mở!

Cánh cửa mới phân luồng học sinh đã mở!

(GD&TĐ) - Có thể nhận đồng thời bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cùng lúc. Thông tin trên được nhiều báo đăng tải trung tuần tháng 4 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Theo đó, từ nay học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) có phối hợp đào tạo với trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thì sau khi hoàn thành chương trình, có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tốt nghiệp TCCN để có cơ hội nhận được hai bằng tốt nghiệp THPT vừa làm vừa học và TCCN. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Trước đây, dù bằng tốt nghiệp TCCN được xem là tương đương với tốt nghiệp THPT nhưng con đường học liên thông lên CĐ, ĐH còn hẹp với một số ngành, một số trường được quy định. Nay với bằng tốt nghiệp THPT, học sinh có thể đăng ký mọi ngành nghề, mọi trường mà mình thích. Chủ trương này của Bộ GD&ĐT đã mở ra cánh cửa mới cho công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS mà hiệu quả của nó hiện rất thấp. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, mỗi năm cả nước có khoảng trên 700.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào được THPT và rớt tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có gần 10.000 học sinh vào học TCCN. Điều đáng suy nghĩ là trong khi các trường TCCN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì đa số các em phải vào đời sớm khi trong tay chưa có lấy một nghề. 

Ở một mặt khác, xã hội đang lâm vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Cấu trúc đào tạo của nguồn nhân lực không phù hợp nhu cầu phát triển đất nước. Chưa kể, đào tạo thừa không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội. 

Nguyên nhân học sinh không chịu vào trường TCCN chủ yếu là do công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa được quan tâm; ngoài ra còn thiếu cơ chế thu hút học sinh vào học ở bậc học này. Trong một khảo sát mới đây ở TP.HCM, nhiều phụ huynh trả lời chưa hề biết trường TCCN tuyển học sinh tốt nghiệp THCS; ngành nghề và thời gian đào tạo; nhu cầu việc làm... Cũng theo quy định hiện hành, học sinh tốt nghiệp TCCN phải chờ ba năm sau mới được học liên thông lên bậc cao hơn. Ngành nghề liên thông cũng không có nhiều cho sự lựa chọn như học sinh tốt nghiệp THPT.

Trên thực tế việc phân luồng của nhiều địa phương rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, có một đơn vị đi đầu trong việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS ở TP.HCM. Đó là ngành giáo dục quận Tân Phú. Khi mới tách quận (2003), học sinh không đậu vào lớp 10 công lập của quận khá nhiều, có năm lên đến hơn 1.000 em. Sau nhiều năm với nhiều nỗ lực, trong đó chú trọng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh bằng nhiều hình thức và nhấn mạnh khả năng có thể học liên thông lên các bậc cao hơn, đến nay số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học TCCN của quận ngày càng tăng. Nếu như các năm 2005, 2006 mỗi năm chỉ có khoảng hơn 200 học sinh đăng ký học TCCN thì nay đã tăng gần 700 học sinh.

Tuy nhiên, kết quả này là do nỗ lực của các nhân tố lãnh đạo tích cực, chứ chưa phải từ một chính sách hiệu quả. Tại một hội nghị về công tác phân luồng, ngành giáo dục quận Tân Phú báo cáo công tác phân luồng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn trên là công tác phân luồng chưa trở thành một chủ trương chung mang tầm quốc gia để từ đó có sự tiếp sức của chính quyền địa phương và trường TCCN với ngành giáo dục. Một khó khăn khác nữa là học sinh tốt nghiệp TCCN chưa được tạo điều kiện được học liên thông một cách rộng rãi về ngành nghề; hiện học sinh chỉ được liên thông bó hẹp vào một số ngành của một số trường nhất định. Nói cách khác, khi tốt nghiệp TCCN cánh cửa học lên của học sinh chưa được tương đương như học sinh phổ thông. 

Nay với chủ trương đẩy mạnh phối hợp giữa cơ sở đào tạo TCCN với trung tâm GDTX, học sinh đồng thời có bằng TCCN vừa có bằng THPT, một cánh cửa mới cho việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã được mở ra. Ngoài ra, chủ trương này còn thể hiện một quyết tâm vực dậy trường nghề. Vấn đề còn lại là các trường TCCN phải có chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, phát triển ngành nghề để kịp đón đầu những lứa học sinh tương lai.

Từ Nguyên Thạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ