Theo thống kê, có khoảng 1/3 người trên 30 tuổi và 2/3 người trên 65 tuổi cho biết phải thức dậy vào giữa đêm để đi tiểu. Tình trạng này được gọi là tiểu đêm và những người mắc bệnh thường sẽ phải sử dụng nhà vệ sinh nhiều hơn một lần trong buổi đêm.
Ngoài ra, giấc ngủ bị gián đoạn sẽ dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch suy yếu, bệnh tim và thậm chí là một số bệnh ung thư. Thậm chí, tình trạng này còn gây ra các vấn đề về tâm lý như lo lắng, trầm cảm và rối loạn tâm thần.
Giáo sư khoa tiết niệu Philip Van Kerrebroeck đã đưa ra lời cảnh báo về các dấu hiệu của bệnh tiểu đêm vì lợi ích sức khỏe của mọi người.
“Mọi người nghĩ rằng thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh chỉ là dấu hiệu tuổi tác, nhưng thực sự là không phải như vậy. Giấc ngủ bị gián đoạn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, những người thức dậy nhiều lần trong một đêm nên tới bệnh viện kiểm tra”, Giáo sư Kerrebroeck cho biết.
Tuy nhiên, ông Kerrebroeck cũng khẳng định, bệnh tiểu đêm hoàn toàn có thể được điều trị. Vì vậy, bệnh nhân không cần quá lo lắng.
Giấc ngủ bị gián đoạn có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, thậm chí là cả các mối quan hệ và công việc. Lý giải về việc này, Giáo sư Kerrebroeck cho biết, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của não bộ, khiến việc tập trung, ghi nhớ và tiếp thu các kỹ năng hoặc sự kiện mới trở nên khó khăn hơn nhiều.
Theo các chuyên gia, nếu đi tiểu hơn 2,5 lít/ngày, người đó có khả năng cao mắc chứng tiểu nhiều. Nguyên nhân có thể do người này đã uống quá nhiều nước, hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, chứng tiểu nhiều cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng bàng quang, sỏi thận, suy thận và tuyến tiền liệt ở nam giới. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, nếu thường đi tiểu nhiều vào ban đêm và có những biểu hện như: Đau lưng, sụt cân, đổ mồ hôi hoặc sốt, người đó nên tới bệnh viện kiểm tra sức khoẻ.