Theo Bộ KH-ĐT, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2010 ước đạt 59,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với tháng 2 năm 2010 và tăng 14% so cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng 14,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%.
Tính chung quý I, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 173,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,4%.
Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp quý I năm 2010 ước đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó nông nghiệp đạt 36,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%; lâm nghiệp đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5%; thuỷ sản đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao do sản xuất vụ đông năm nay khá thuận lợi. Ngoài ra, lúa đông xuân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được mùa (ước tăng khoảng 117 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân năm 2009). Bên cạnh đó, chăn nuôi tiếp tục duy trì mức tăng khá do giá sản phẩn, giá thức ăn ổn định, dịch bệnh diễn ra ở phạm vi nhỏ, thiệt hại không nhiều.
Do sản xuất, kinh doanh và hoạt động dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2010 tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả quý I/2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 364,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2009.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 năm 2010 ước đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 37,7% so với tháng 2 năm 2010, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt gần 2,5 tỷ USD.
Tính chung quý I năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2009.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU với tỷ trọng ước đạt 26,4%, Mỹ đạt 20,2%, ASEAN đạt 16,8%, Nhật Bản đạt 11,95%, Trung Quốc đạt 9,4%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 28,2% so với tháng 2. Tính chung quý I/2010, kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 17,5 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009 (cùng kỳ giảm 45%), trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,1 tỷ USD, tăng 53,1%.
Như vậy, trong quý I/2010, nhập siêu 3,5 tỷ USD, bằng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
CPI tháng 3 vẫn tăng 0,75% so với tháng 2 là đáng lo ngại. |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,75% so với tháng 2/2010 (tháng 2 tăng 1,96% so với tháng 1/2010), so với tháng 12/2009 tăng 4,12%; so với cùng kỳ năm trước tăng 9,46%. Chỉ số giỏ quý 1/2010 so với cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.
Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, việc chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,75% so với tháng trước là đáng lo. “Bình thường, CPI tháng 3 chỉ tăng nhẹ, hoặc giảm, nhưng năm nay lại tăng khá cao. Bình quân trong 10 năm trở lại đây, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,08%. Nếu ngoại trừ năm 2008 - là năm CPI tháng 3 có mức tăng đột biến, lên tới 2,99%, cũng là năm lạm phát lên tới 19,9%, thì CPI bình quân các tháng 3 thậm chí tăng âm. Như vậy, mức tăng CPI của tháng 3 năm nay cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân. Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 đã tăng 9,46%. Đây là một mức tăng rất cao, cần phải cảnh báo để có các biện pháp điều hành kịp thời”, ông Cao Viết Sinh nói.
Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) bày tỏ sự không đồng tình với những nhận định gần đây của một số chuyên gia kinh tế rằng, GDP quý I tăng 6% không có gì là bất ngờ (bởi quý I năm ngoái, con số này chỉ là 3,1%).
“Có vẻ như mọi người vẫn coi trọng chuyện tăng trưởng, mà không quan tâm tới vấn đề lạm phát quay trở lại”, ông Cường nói và phân tích, việc CPI tháng 3 tăng tới 0,75% so với tháng trước và tăng 4,12% so với tháng 12/2009, cộng thêm xu hướng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán vẫn đang tăng cao là những yếu tố tiềm ẩn về nguy cơ lạm phát cao trở lại.
Quang Anh