Cảnh báo từ cháy rừng ở Hawaii

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thảm họa ở Hawaii là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất nước Mỹ trong 100 năm qua.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 8/8, trận cháy rừng bùng phát tại thị trấn nghỉ mát Lahaina, đảo Maui thuộc quần đảo Hawaii, đã tàn phá và gần như cô lập khu vực phía Tây của hòn đảo này.

Đến nay, ít nhất 106 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Thảm họa ở Hawaii là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất nước Mỹ trong 100 năm qua.

Các đảo ở Hawaii thường xuyên đối mặt với tình trạng cháy rừng nhưng đám cháy rất ít khi bùng phát ở quy mô lớn do khu vực này có khí hậu nhiệt đới ẩm. Trận cháy rừng mới đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước đây, Lahaina là một vùng đất ngập nước. Sau khi trở thành thị trấn nghỉ mát nổi tiếng ở Hawaii, nhiều ao hồ bị san lấp để xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Diện tích đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các hoạt động kinh doanh du lịch khác. Ước tính, hơn 40 ha ngập nước ở Lahaina đã được cải tạo để biến thị trấn nhỏ bé này trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Hawaii.

Nguồn nước ngầm cạn kiệt kết hợp với hạn hán nghiêm trọng từ đầu năm nay khiến thảm thực vật ở Lahaina trở nên khô cằn.

Điều này đồng nghĩa một ngọn lửa nhỏ cũng có thể nhanh chóng khiến hỏa hoạn bùng lên và gió khiến ngọn lửa lan mạnh về phía các cộng đồng dân cư.

Một nguyên nhân khác khiến đám cháy lan rộng là sự phát triển của các loại cỏ dễ cháy như cỏ lau, cỏ sả lá nhỏ. Ước tính, khoảng 60% diện tích đất nông nghiệp ở Hawaii đã bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho các loại cỏ rẫy cháy phát triển mạnh và lấn át đà phát triển của những thực vật địa phương. Khi có đám cháy, những loại cỏ này giống như chất dẫn khiến lửa càng lan mạnh.

Bài học từ vụ cháy rừng ở Lahaina cùng rất nhiều thảm họa thiên nhiên khác là mặc dù con người không thể kiểm soát thiên nhiên nhưng chúng ta có thể kiểm soát khả năng chuẩn bị và ứng phó với những thảm họa thiên nhiên bất ngờ.

Khi các thảm họa thiên nhiên dần trở nên thường xuyên và khó lường với sức tàn phá mạnh mẽ hơn, các chính phủ và xã hội cần thay đổi cách ứng phó, nghiêm túc nhìn nhận mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Đơn cử, năm 2022, Hawaii công bố kế hoạch quản lý tình trạng khẩn cấp nhưng chỉ liệt kê sóng thần, động đất và núi lửa là “những mối đe dọa tiềm ẩn với con người” và đánh giá thấp nguy cơ cháy rừng với tính mạng con người.

Riêng tại đảo Maui chỉ có 65 lính cứu hỏa làm việc cùng lúc và 13 xe cứu hỏa sử dụng trong đô thị, không thích hợp di chuyển trên những địa hình phức tạp hay hoang dã.

Nhiệt độ tăng kỷ lục, rừng bị chặt phá cùng những đợt hạn hán kéo dài trong thời gian gần đây là những cảnh báo thường trực đã bị xem nhẹ.

Bên cạnh việc thay đổi cách thức ứng phó với thiên tai, Hawaii còn đối mặt với thách thức tái thiết cuộc sống cho người dân, tái tạo cảnh quan thị trấn, khôi phục lại văn hóa lịch sử lâu đời… Điều này có thể mất nhiều năm thực hiện.

Với dân du lịch, họ có thể mất một kỳ nghỉ hè nhưng với người dân Lahaina nói riêng và đảo Maui nói chung, họ đã mất tất cả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Trái ổi

Truyện ngắn: Trái ổi

GD&TĐ - Tiếng thắng gấp cháy bánh của chiếc xe máy ở phía sau, ông Mạnh vội quay nhìn. Một đôi nam nữ ngồi trên xe SH màu trắng tinh, quay ngang.
Tranh minh họa vua Trần Dụ Tông đi chơi bị trộm mất ấn tín và gươm báu.

Chuyện những ông vua chạm mặt trộm, cướp

GD&TĐ - Trong lịch sử phong kiến nước Việt, một số vị vua từng gặp trộm, cướp vào ban đêm và được chính sử ghi chép, để lại những câu chuyện 'dở khóc, dở cười'.
Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa chụp hình kỷ niệm ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Niềm tự hào thức dậy

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa tổ chức cho hội viên một chuyến về nguồn.