Cảnh báo sớm

GD&TĐ - Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt với các quan chức Nga bị cáo buộc đầu độc chính trị gia đối lập Navalny cho thấy Mỹ muốn ra lời cảnh báo cứng rắn ngay đầu nhiệm kỳ của ông Biden. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 2/3, Washington công bố các biện pháp cấm đi lại và đóng băng tài sản với 7 quan chức cấp cao của Nga và biện pháp hạn chế với 14 cơ quan của Nga. Hành động này được phối hợp nhịp nhàng với biện pháp tương tự của EU trước đó một ngày khi áp đặt trừng phạt có tính biểu tượng với 4 quan chức cao cấp ngành tư pháp Nga. 

Các quan chức Nga bị cáo buộc liên quan đến cái mà phương Tây cho là việc đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny năm ngoái. Ông Navalny bị ốm trên một chuyến bay ở Siberia tháng 8/2020 và sau đó được đưa tới Đức nơi các bác sĩ kết luận rằng, ông đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Chính phủ Nga đã phủ nhận vai trò trong sự việc này và tuyên bố họ không thấy bằng chứng nào là Navalny đã bị đầu độc.

Sau đó, đến tháng 1/2021, Navalny bị bắt ở sân bay Moscow khi trở về từ Đức và bị giam từ tháng 2/2021 do vi phạm lệnh ân xá - mà Navalny cho là cáo buộc ngụy tạo và chính quyền Nga đã phủ nhận. Phía Mỹ đã yêu cầu Nga trả tự do cho Navalny.

Đáp lại lệnh trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Nga sẽ trả đũa theo cách tốt nhất cho lợi ích của họ. Ông Peskov cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không có tác dụng với các quan chức Nga bị nêu tên, bởi họ không được phép ra nước ngoài, có tài sản hoặc tài khoản ở nước ngoài do sự nhạy cảm trong vị trí công việc của họ. 

Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt chính là tác động xấu tới quan hệ Nga với Mỹ và EU - người phát ngôn của chính phủ Nga nói. 

Còn bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng lệnh trừng phạt là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và rằng Moscow sẽ trả đũa “nhưng không nhất thiết phải đối xứng”. Bà Zakharova nói Mỹ có thể chọn nếu muốn “đối thoại bình đẳng” với Nga trên cơ sở hợp lý, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thất bại trước đây và bây giờ cũng vậy. 

Đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga báo hiệu rằng chính quyền Biden sẽ cứng rắn hơn người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Donald Trump, hoặc ít nhất đây là một sự nắn gân Nga. Với những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và châu Âu,  đàn áp phe đối lập, chiếm quyền kiểm soát Crưm... quan hệ của Mỹ với Nga xấu đi rất nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên từ châu Âu đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga, trong đó có cả những lợi ích kinh tế khi nhiều công ty Đức đang tham gia Dự án Dòng chảy phương Bắc để cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu. 

Dù sao quan hệ với Nga cũng rất quan trọng đối với cả hai bên và với thế giới. Tổng thống Biden đã nói rằng ông sẽ đối đầu với Tổng thống Nga Putin trước những động thái có thể gây tổn hại cho Mỹ hoặc các đồng minh, nhưng cũng sẽ hợp tác với Nga về kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác. 

Với lệnh trừng phạt có phối hợp vừa rồi, Mỹ và châu Âu gửi đi thông điệp đến Nga rằng họ rất đoàn kết để ra tay khi cần thiết, song rõ ràng ông Biden cũng không muốn quan hệ với Nga tụt dốc đến mức xấu xí như những năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.