Cảnh báo những nguy hại cho trẻ nhỏ tiềm ẩn trong nụ hôn của người lớn

GD&TĐ - Việc hôn trẻ chắc chắn là thói quen ở rất nhiều người lớn. Họ cho rằng, đó là để thể hiện tình cảm, sự thương yêu của bản thân đối với trẻ. Song chẳng mấy người biết rằng thói quen tưởng như vô hại này thực tế đem lại rất nhiều nguy hiểm, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bất kỳ cha mẹ nào cũng thấy hạnh phúc, hãnh diện khi con mình ngoan ngoãn, đáng yêu, bụ bẫm. Tuy nhiên kéo theo là nhiều người yêu thích, muốn được nựng, ôm, hôn bé vì quá dễ thương. Thực tế không thiếu trường hợp có bé phải đi bệnh viện, mặc bệnh truyền nhiễm chỉ vì nụ hôn của người lớn.

Bé trai 9 ngày tuổi bị viêm màng não chỉ vì nụ hôn của người lớn

Theo thông tin trên báo chí, Krystal Hayes (26 tuổi, Nottinghamshire, Anh) rất hạnh phúc vì vừa sinh hạ đứa con đầu lòng. Thế nhưng, cả gia đình tưởng chừng đã phải rời xa cậu con trai Gunner đáng yêu chỉ 9 ngày sau khi ra đời bởi cậu bị nhiễm virus viêm màng não chết người. Gunner sốt rất cao, được cấp cứu tại Bệnh viện Hoàng gia Doncaster, và ở đây các bác sĩ đã cho biết bé bị nhiễm meningitis – chủng virus gây viêm màng não – thông qua một nụ hôn mang mầm bệnh của người lớn.

“Trước đây, tôi nghĩ không được hôn con mình thì thật tồi tệ. Nhưng bây giờ, đứng trước đứa con bé bỏng có nguy cơ bị di chứng não hoặc mất một bên chân, tôi thấy ngàn lần tệ hơn!” – cô Hayes nói.

Bố mẹ cần chú ý hạn chế việc hôn môi trẻ, vành tai trẻ nhỏ, bởi sức khỏe của trẻ yếu, sức đề kháng kém, dễ bị truyền nhiễm vi khuẩn, bệnh tật trên cơ thể, nhất là các bệnh viêm gan, bệnh lao phổi, hô hấp…

Một số loại virus nguy hiểm trẻ có thể bị lây nhiễm từ nụ hôn của người lớn:

1. Virus herpes

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, viêm não hay viêm màng não do virus herpes xảy ra khá phổ biến, trong đó có cả trẻ nhỏ. Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ “chạy” lên não, gây viêm não, ảnh hưởng đến toàn bộ não.

Các triệu chứng của bệnh viêm não do virus herpes ở trẻ nhỏ thường là đau đầu, nôn ói, hay quên, quấy khóc, thay đổi tính tình… Bệnh xảy ra rải rác, không thành dịch, thường diễn tiến nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng khiến trẻ khó thích nghi với cuộc sống sau này. Theo đó, cứ 10 trẻ thì có 7 trẻ bị dị tật như: Bại não, khuyết tật trí tuệ, động kinh, mất thị lực, thính lực…

2. Virus respiratory syncytial virus-RSV

RSV là tác nhân chính của viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em, với tần suất cao nhất là ở lứa tuổi 2-5 tháng. Bệnh thường xảy ra thành dịch vào mùa đông và đầu xuân, với khoảng 40 % trẻ bị nhiễm trong lần tiếp xúc đầu tiên. Đa số trẻ đều bị nhiễm ít nhất một lần một trong hai subtype khi trẻ tròn 2 tuổi.

Virus hợp bào hô hấp RSV có khả năng lây lan rất mạnh, lại dễ phát tán trong cộng đồng vì khi trẻ mới nhiễm bệnh nhiều gia đình chủ quan chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường nên không có biện pháp phòng ngừa lây lan.

Đáng tiếc là vẫn chưa có vacxin bảo vệ trẻ khỏi virus này. Vì vậy, để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi... Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý kiểm soát nhiễm khuẩn bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay...

Hiện nay, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin... Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ