Nhiều dạng bệnh tuyến giáp
PGS.TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cho biết, tuyến giáp bình thường sẽ duy trì một lượng hormone cần thiết để giữ cho chuyển hóa của cơ thể cân bằng. Lượng hormone tuyến giáp trong máu được kiểm soát và điều chỉnh bởi tuyến yên nằm ở trung tâm của não bộ. Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, cơ thể tăng tiêu thụ năng lượng. Tình trạng này gọi là cường chức năng tuyến giáp (nhiễm độc giáp). Ngược lại, tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone gọi là nhược giáp.
Theo PGS Lương, có nhiều dạng bệnh tuyến giáp, do rối loạn về chức năng hoặc cấu trúc tuyến giáp gây nên: Bướu giáp không có rối loạn chức năng được gọi là bệnh bướu giáp đơn thuần. Trong đó, có bướu giáp nhân (khi có một nhân), bướu giáp đa nhân (nhiều nhân) và bướu giáp lan tỏa (khi không có nhân). Dạng bệnh tiếp theo là viêm tuyến giáp, hay gặp là bệnh viêm tuyến giáp mạn tính tự miễn (bệnh Hashimoto), bệnh viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain, viêm tuyến giáp Riedel, viêm tuyến giáp cấp tính.
Có một số ít trường hợp viêm tuyến giáp đi kèm với rối loạn chức năng giáp. Bệnh bướu giáp có cường chức năng, hay gặp nhất là bệnh Basedow với triệu chứng điển hình là bướu giáp lan tỏa, mạch nhanh, mắt lồi và run tay.
Một số bệnh bướu giáp có cường chức năng khác là: Bướu nhân nhiễm độc (bệnh Plummer), bệnh bướu đa nhân nhiễm độc, nhiễm độc giáp do thuốc. Các bệnh bướu giáp có nhược chức năng, hay gặp là nhược năng giáp bẩm sinh (bướu cổ đần độn), một số trường hợp viêm tuyến giáp.
Bệnh tuyến giáp có thể chữa khỏi
Nguyên nhân của bệnh tuyến giáp, PGS Lương cho hay, có thể là do tình trạng thiếu hụt iốt do thức ăn, nguồn nước, do giảm hấp thu (bệnh lý tiêu hóa), rối loạn men chuyển hóa iốt, thậm chí, cung cấp dư thừa quá mức iốt trong thức ăn, hoặc các thuốc điều trị cũng gây nên. Hoặc phụ nữ bị chấn thương tinh thần: Căng thẳng quá mức (stress), mang thai, sau sinh. Hoặc rối loạn đáp ứng tự miễn dịch, nội tiết. Các yếu tố liên quan như gia đình, bẩm sinh, cơ địa (yếu tố di truyền); Lứa tuổi, giới tính (nữ mắc nhiều hơn nam)...
PGS Lương chia sẻ, nhiều bệnh nhân mắc bệnh suy tuyến giáp trạng đến điều trị ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương đều có tâm trạng rất lo lắng. Thậm chí nhiều người lo ngại bệnh sẽ tiến triển thành ung thư với khả năng tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh tuyến giáp là bệnh tiến triển chậm và có thể chữa khỏi (kể cả ung thư tuyến giáp). Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị và theo dõi cẩn thận người bị bệnh tuyến giáp có thể sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Do vậy, bệnh nhân không nên lo lắng khi bản thân bị một trong các bệnh của tuyến giáp. Điều tốt nhất nên làm đó là đến khám bác sỹ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Điều trị suy giáp khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên, mục tiêu của điều trị là khôi phục lại lượng hormone giáp bình thường trong máu, xử trí những tổn thương tại tuyến. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp: Đối với bệnh suy giáp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các loại thuốc là nội tiết tố tổng hợp thay thế các hormone giáp. Loại thuốc này phải uống hàng ngày theo đơn của bác sỹ và xét nghiệm kiểm tra định kỳ. Đối với bệnh cường giáp, hiện có 3 phương pháp điều trị, đó là: Dùng thuốc kháng giáp để ngăn chặn sản xuất hormone; điều trị bằng iốt phóng xạ để vô hiệu hóa tuyến giáp và phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến giáp.