Các bác sĩ Bệnh viện Mắt T.Ư cảnh báo, có không ít trẻ bị tai nạn trong lúc nô đùa hoặc sinh hoạt hàng ngày. Những trường hợp trẻ nhỏ bị chấn thương mắt đa phần là do sự chủ quan của người lớn.
Sự bất cẩn của người lớn
Bệnh nhi N.T.Đ (7 tuổi, ở Nghệ An) đã được các bác sỹ Bệnh viện Mắt T.Ư phẫu thuật do bị rách giác mạc. Theo người nhà bệnh nhân nhi, tai nạn xảy ra rất bất ngờ, trong lúc người bố vừa gọt hoa quả và chơi đùa với con, vô tình mũi dao chọc thẳng vào mắt bé. Sau khi bị dao chọc vào mắt, bé bị chảy rất nhiều máu. Gia đình đã đưa con ra thẳng trạm y tế gần nhà để các bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Mắt T.Ư.
Cũng đang điều trị tại Khoa Chấn thương (Bệnh viện Mắt T.Ư), bệnh nhân nhi H.V.M (9 tuổi, ở huyệnVăn Chấn, Yên Bái) vì bị bạn cùng lớp chọc vật cứng vào mắt.
Người mẹ bệnh nhân chia sẻ, tai nạn xảy ra đã gần 1 tuần, dù đã được phẫu thuật nhưng do vết thương nặng nên con phải ở lại viện theo dõi thêm khoảng 2 tuần nữa. Bệnh nhân nhi T.M.A (5 tuổi, ở Hưng Yên) tự cầm cây chọc vào mắt mình khi không có sự giám sát của người lớn.
Người nhà bệnh nhân A cho hay, sự việc xảy ra khi bố mẹ để con nằm chơi một mình ở giường, cộng thêm với việc do người lớn không để ý nên con đã rút nan chiếu tự chọc vào mắt mình gây tai nạn thương tâm.
Do vết thương quá nặng, nên con đã được chuyển lên Bệnh viện Mắt T.Ư điều trị và phải phẫu thuật 2 lần nhưng vẫn chưa bình phục hoàn toàn, nguy cơ mù lòa là rất lớn.
Thống kê tại Khoa Chấn thương (Bệnh viện Mắt T.Ư), có không ít trẻ bị tai nạn trong lúc nô đùa hoặc sinh hoạt hàng ngày. Trong đó có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chấn thương mắt đa phần là do sự chủ quan của người lớn.
Không nên vội vàng xử trí dị vật găm vào mắt
TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết tai nạn về mắt đối với trẻ nhỏ thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm mùa hè trẻ bị nạn thường tăng vọt.
Những trường hợp trẻ bị chấn thương mắt do tai nạn trong sinh hoạt hoặc chơi đùa gây nên sẽ ảnh hưởng chức năng thị giác và thẩm mỹ như: Giảm thị lực, mù lòa, sẹo xấu thậm chí có trường hợp phải bỏ mắt.
BS Phương Thảo (Khoa Mắt - Bệnh viện E) cho biết thêm, tai nạn xảy ra với mắt có thể gặp mọi lúc mọi nơi, nhưng ở nhà là nhiều nhất 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hoàn cảnh khác.
Thực tế, trong thời gian qua, Khoa Mắt – BV E đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu cho trẻ do bị bút đâm vào mắt, gáy bìa sách đập vào mắt, bị bạn đấm vào mắt, ngã va đập vào mắt… Mức tổn thương gây ra cho trẻ có thể là xước giác mạc, rách lớp giác mạc, xuất huyết tiền phòng, vỡ nhãn cầu…
Trong trường hợp chẳng may xảy ra các tai nạn thì các bậc cha mẹ cần lưu ý:
Đầu tiên, cần giữ trẻ ổn định, không để trẻ hốt hoảng làm những vật nguy hại đó chọc vào sâu hơn vào mắt.
Thứ hai, không để trẻ chạm tay vào vật sắc nhọn ở trong mắt, tránh cho mắt không bị tổn thương thêm.
Thứ ba, người lớn tuyệt đối không tự ý hoặc trực tiếp rút vật nhọn ra khỏi mắt cho trẻ vì hành động đó vô tình có thể làm cho tổn thương của mắt nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, BS Thảo khuyến cáo, khi trẻ gặp tai nạn cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa về mắt để được điều trị kịp thời, tránh mù lòa.
Đặc biệt, trẻ em khi đeo kính cận tránh những trò chơi thể thao vận động mạnh để phòng nguy cơ kính vỡ, đâm vào mắt gây nguy hiểm cho thị lực.