Tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế chiều 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5 của Omicron, có khả năng lấn át biến thể phụ đang phổ biến ở nước ta là BA.2.
"Tuy nhiên, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới. Qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó" - Cục trưởng Phan Trọng Lân nói.
Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, BA.4 và BA.5 là hai thủ phạm khiến họ đối mặt hàng loạt làn sóng Covid-19 mới. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14/6 thông báo tính đến ngày 11/6, có tới hơn 21% số ca mắc Covid-19 tại nước này là do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5; số ca mắc mới Covid-19 trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 11/6) tại Mỹ là 105.615 ca, tăng 6,7% so với 1 tuần trước đó.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng lại ở Singapore. Có đến 45% ca nhiễm trong cộng đồng trong tuần qua là do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra, tỉ lệ này tuần trước đó là 30%.
Hai dòng phụ có khả năng lây lan cao này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách theo dõi hồi tháng 3 và được coi là biến thể đáng quan ngại ở châu Âu.
Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo các dòng phụ mới này đang lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác, có thể dẫn tới số ca nhập viện cao hơn nếu trở thành các biến thể chủ đạo trong khu vực.
Tại buổi gặp mặt, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định thế giới vẫn trong đại dịch.
Đồng thời, WHO cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin, giám sát trọng điểm,...
Kịch bản chống dịch khi biến thể phụ BA.5 xâm nhập vào nước ta
Trao đổi với báo chí, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sự tiến hóa của một virus là rất khôn lường. Sự tiến hóa này được đánh giá trên các tiêu chí, như sự lây lan, mức độ mắc bệnh nặng hay nhẹ, nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong…
Theo kinh nghiệm, một đại dịch sẽ có xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có vaccine hoặc sau khi con người mắc bệnh, khi tăng dần số lượng này thì sẽ giảm dần biến thể, từ đó virus hoặc biến mất hoặc trở thành bệnh lưu hành.
Thực tế với SARS-CoV-2, sự tiến hóa của nó qua 5 đợt dịch xảy ra ở nước ta trong gần 3 năm vừa rồi cho thấy, virus này thay đổi nhiều biến chủng, từ Alpha, Delta, Omicron và 5 biến thể phụ của Omicron. Điều này cho thấy, các biến chủng của SARS-CoV-2 rất khó lường.
"Từ tháng 9/2011, ở nước ta xuất hiện biến chủng Delta có sự lây lan rất nhanh và sang tháng 11/2011 đã ghi nhận nhiều ca bệnh nặng. Đến nay, biến thể BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron lây lan còn nhanh hơn. Nếu chủ quan, tỉ lệ tiêm chủng thấp, nhiều vùng khó kiểm soát bệnh thì sẽ có nguy cơ trở thành vùng dịch mới", đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.