Cảnh báo nguy cơ kháng kháng sinh: Hậu quả nghiêm trọng

GD&TĐ - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh.

Dùng thuốc kháng sinh với liều lượng lớn từ khi còn nhỏ, khi lớn lên hệ miễn dịch sẽ kém và có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh. Ảnh minh họa: Shutterstock
Dùng thuốc kháng sinh với liều lượng lớn từ khi còn nhỏ, khi lớn lên hệ miễn dịch sẽ kém và có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh, do việc sử dụng thuốc không hợp lý.

Vấn đề ở mức báo động

Nếu cho trẻ em sử dụng thuốc kháng sinh một cách khoa học sẽ rất có ích trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bị nhờn thuốc kháng sinh do sử dụng sai cách. Tại Khoa hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Thu Hà (Yên Dũng, Bắc Giang) đưa con gái mới hơn một tuổi điều trị viêm phế quản.

Nhiều người, nhất là các phụ huynh có xu hướng lạm dụng thuốc kháng sinh. Hành vi này để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho con trẻ, đặc biệt là nguy cơ kháng kháng sinh.

Theo chị Hà, con thường xuyên bị ho, mũi và đờm nhiều. Lúc đầu, mỗi khi con ho hoặc sốt, chị đưa đến khám bác sĩ tư và được kê đơn. Những lần sau, con có triệu chứng giống như vậy, chị tự mua đúng các thứ thuốc lần trước đã dùng.

Chị Thu Hà chia sẻ: “Nếu đưa con đi khám sớm thì đâu đến nỗi thế này. Trước khi nhập viện, tôi tự mua kháng sinh ở hiệu thuốc về uống, sau vài ngày hết sốt nhưng cháu vẫn khó thở nên mới đưa vào viện”.

Nhiều người cho rằng, thuốc kháng sinh có công dụng điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Chính vì thế, chúng thường được dùng bừa bãi, không đúng liều lượng và người dùng chưa thực sự hiểu về cách sử dụng, dẫn đến kháng kháng sinh. Rơi vào tình trạng này, thuốc kháng sinh sẽ không có khả năng tiêu diệt, loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân là do mầm bệnh, vi khuẩn có thể tự chống lại hoạt động của thuốc kháng sinh.

Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người bệnh cũng như quá trình điều trị bệnh. Bác sĩ Lê Thị Mai - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, kháng thuốc kháng sinh xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên là do vi khuẩn kháng thuốc.

Các loại vi khuẩn gây bệnh thường biến đổi không ngừng để thích nghi và làm mất tác dụng của thuốc điều trị. Trong đó, chúng có thể đột biến gen, tạo ra enzyme phân hủy hoặc những thay đổi trong cấu trúc của thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, một số vi khuẩn có khả năng làm giảm nồng độ hoặc thay đổi tác động của thuốc kháng sinh.

Theo bác sĩ Mai, phần lớn bệnh nhân rơi vào tình trạng kháng kháng sinh là do chưa có hiểu biết đầy đủ, sử dụng thuốc không đúng cách. Ngày nay, nhiều người tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, ngay cả những triệu chứng đơn giản họ cũng lạm dụng thuốc. Vấn đề dùng kháng sinh vô tội vạ tại Việt Nam rất đáng báo động. Người dân cần được trang bị kiến thức cơ bản trước khi quyết định dùng thuốc.

Ngay cả khi đã được bác sĩ kê đơn cụ thể, nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm rằng nếu không còn triệu chứng thì sẽ dừng thuốc, bác sĩ Lê Thị Mai cho biết và chia sẻ, thực tế, vi khuẩn có thể vẫn đang tồn tại trong cơ thể chúng ta.

Chúng có thể biến đổi, thích nghi và chống lại tác dụng của thuốc bất cứ lúc nào. Vì vậy, đối với tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc trong vòng 5 -7 ngày. Với tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn cần tích cực điều trị trong một thời gian dài thì mới thu được hiệu quả rõ rệt.

Trẻ em khi bị ho, viêm họng, sốt nhẹ hoặc sổ mũi thông thường thì không cần thiết phải dùng đến kháng sinh, thay vào đó phải điều trị bằng các phương pháp như rửa mũi, súc họng bằng nước muối, sử dụng thuốc ho… Nếu bệnh tình tái phát hoặc không thuyên giảm thì đưa trẻ đến các trung tâm y tế điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

“Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh tự mua thuốc kháng sinh hoặc mua theo đơn cũ cho trẻ uống mỗi khi con mình ho, sốt hoặc sổ mũi. Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn, mà bệnh trẻ mắc có phải do nhiễm khuẩn hay không, chỉ có thể do bác sĩ khám và đưa ra kết luận. Do đó, thuốc kháng sinh phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Mai khuyến cáo.

canh bao nguy co khang khang sinh hau qua nghiem trong (3).jpg
Bệnh nhân kháng kháng sinh cần chăm sóc tích cực, thở máy, thời gian điều trị lâu dài. Ảnh minh họa: INT

Dùng thuốc kháng sinh sao cho đúng?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội) thông tin, trẻ bị nhờn thuốc kháng sinh tức là tình trạng vi khuẩn không còn nhạy cảm và kháng sinh không có khả năng loại bỏ vi khuẩn đó. Việc sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, không khoa học khiến cho vi khuẩn có khả năng kháng thuốc và ngày càng phát triển mạnh.

Theo thống kê y tế, số lượng người bị kháng kháng sinh có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng, đây là vấn đề đáng lo ngại của bản thân người bệnh và các y bác sĩ. Nếu con số này càng tăng lên, chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng có thể giảm sút nghiêm trọng. Người bệnh có thể đối mặt với những vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Trước mắt, tình trạng bệnh diễn biến nặng, phức tạp hơn rất nhiều, bệnh nhân mất rất nhiều thời gian để chữa trị và lấy lại sức khỏe. Không những vậy, do không thể điều trị bệnh dứt điểm, chúng có nguy cơ tái phát nhiều lần. Để cải thiện tình hình, các bác sĩ buộc phải sử dụng các phương pháp phức tạp, tốn nhiều chi phí hơn so với bình thường. Đặc biệt, bệnh sẽ đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, nguyên tắc cần biết khi dùng thuốc kháng sinh đó là chỉ điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra và dùng chúng khi thực sự cần thiết, được bác sĩ đồng ý. Trên thực tế, thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong việc điều trị bệnh cúm hay cảm lạnh, bởi vì nguyên nhân chính gây bệnh đó là virus.

Thuốc kháng sinh có nhiều loại khác nhau để điều trị các bệnh khác nhau, nên lựa chọn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, chủng vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, chúng ta không thể chia sẻ thuốc với bất cứ ai.

Như vậy, kháng kháng sinh là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta không được phép chủ quan. Tốt nhất, mỗi người cần có ý thức sử dụng thuốc phù hợp đúng liều lượng và thời gian, không tự ý tăng hoặc giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Nếu sau một thời gian điều trị không thấy hiệu quả, hãy đi tái khám và nhận tư vấn từ bác sĩ. Đặc biệt, không được lạm dụng thuốc kháng sinh nếu trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi, viêm phế quản ở mức độ nhẹ… Chăm sóc trẻ kỹ càng, dùng các biện pháp vật lý để hạ sốt, thảo dược để giảm ho, cho trẻ uống nhiều nước và thức ăn giàu dinh dưỡng để đẩy lùi những bệnh trên và nâng cao sức đề kháng.

Bên cạnh đó, cha mẹ không mua thuốc kháng sinh khi không có đơn từ bác sĩ, không tự ý dùng kháng sinh liều cao cho trẻ bởi như thế sẽ làm tăng nguy cơ nhờn kháng sinh và nguy cơ mắc bệnh do tác dụng phụ của kháng sinh gây ra như loạn khuẩn đường ruột, miễn dịch yếu…

canh bao nguy co khang khang sinh hau qua nghiem trong (2).jpg
Uống thuốc kháng sinh không có tác dụng nếu viêm amidan do virus. Ảnh minh họa: Freepik

“Không phải bệnh gì dùng thuốc kháng sinh cũng khỏi. Đối với trẻ nhỏ, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Không thể thấy các biểu hiện của bé giống bệnh này rồi tự ý mua thuốc điều trị bệnh.

Hoặc không nên thấy các mẹ khác nói con họ bị như vậy dùng thuốc này là khỏi mà nghe theo và áp dụng vào con mình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, phản ứng mỗi bé một khác, yếu tố cơ địa mỗi trẻ một khác nên cùng một bệnh nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị riêng”, bác sĩ Hải lưu ý.

Bác sĩ Hải lấy ví dụ trường hợp bé chỉ xuất tiết mũi họng khò khè (không phải do nhiễm khuẩn). Với trường hợp này mà dùng kháng sinh thì chắc chắn bé sẽ không đỡ và sẽ tái phát theo nguyên nhân gây nên yếu tố khò khè.

Và cũng là dấu hiệu khò khè, chảy nước mũi kéo dài nhưng bé có tiền sử hen phế quản thì cách điều trị lại khác với bé không bị hen phế quản. Bên cạnh đó, cần phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm khuẩn và lây lan bằng các thói quen hàng ngày như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc ở bên ngoài hoặc các khu vui chơi công cộng… để phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vân Đình chia sẻ, cần tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như bổ sung đầy đủ dưỡng chất, vitamin vào chế độ ăn hàng ngày, tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày, ngủ đúng giờ giấc, bổ sung vi chất nhằm tăng cường miễn dịch như vitamin C, vitamin E, sắt, kẽm…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vì kháng kháng sinh, nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bệnh do thực phẩm gây nên càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được.

Sau đại dịch Covid-19, tình trạng kháng kháng sinh lại càng trở nên phức tạp hơn do việc sử dụng kháng sinh trở nên thiếu kiểm soát trong đại dịch. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, điều này còn có thể dẫn tới tình trạng không còn kháng sinh để điều trị trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bộ trưởng và tin nhắn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi: “Nếu nông dân khó, hãy nhắn tin cho tôi!”...