Phòng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

GD&TĐ - Với diễn biến thời tiết nóng ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch thì nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết như năm 2017 là rất có thể xảy ra.  

Một buổi tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết cho HS
Một buổi tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết cho HS

Ngăn chặn nguồn truyền bệnh

Theo thống kê ngày 14/8/2018 của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 384 trường hợp mắc sốt xuất huyết được phân bố ở 144 xã phường. Dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với năm 2017 nhưng trung bình hàng năm vẫn ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp mắc. Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng vào những tháng cuối năm 2018 này.

Bọ gậy, loăng quăng, muỗi ưa nơi bẩn thỉu, ẩm thấp nên việc dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ chỗ ăn ở, sinh hoạt và làm việc ở gia đình, cơ quan, trường học và nơi các công cộng cần được cá nhân tổ chức làm thường xuyên. Cụ thể như vệ sinh nhà cửa, sân vườn, khu bếp ăn, khuôn viên cơ quan, trường học và các nơi công công cộng như chợ, công viên, bể bơi sân vận động….

Nếu gia đình hoặc các cơ quan trường học có nhiều bụi rậm thì hãy thường xuyên cắt tỉa, bỏ những lá héo úa, lá rụng. Những vật dụng dễ bị đọng nước như lu nước, thùng nhựa cần đậy kín tránh muỗi vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào những dụng cụ chứa nước lớn như bể cá, giếng, chum vại . Thau rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà như chai, lọ, ống bơ, vỏ dừa, mảnh vỡ. Lật úp những dụng cụ không dùng đến… Đôi khi chỉ một cái lá hay một nắp chai nhỏ mà nhiều người không ngờ đến nhưng có một ít nước đọng cũng đủ để tạo môi trường cho muỗi trú ngụ và sinh sản.

Trong mùa mưa, cần lưu ý những vị trí như trên máng nước hay ống thoát nước luôn phải kiểm tra, dọn bỏ những lá cây, rác thải gây tắc nghẽn nhất là các đường ống nước – nơi tụ đủ yếu tố tối tăm, ẩm thấp là nơi “không thể tuyệt vời hơn”để kích thích loăng quăng, bọ gậy và muỗi phát triển.

Ngoài việc chặn môi trường sinh sản của muỗi, cũng cần lưu ý và tuyên truyền cho người thân thói quen ngủ màn, dùng bình xịt, thuốc, kem, vợi điện để diệt muỗi cũng như mặc quần áo dài khi ở môi trường có nhiều muỗi.

“Đội xung kích diệt bọ gậy” cần được nhân rộng

Hà Nội là một trong những tỉnh thành có nhiều biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết nói riêng. Trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết phải kể đến phong trào: Đội xung kích diệt bọ gậy” được triển khai tới các phường, xã, khu dân cư, tổ dân phố, các cơ quan và đặc biệt là các trường học trên địa bàn thành phố mang lại những hiệu quả rất cao và rất đáng được nhân rộng khích lệ.

Bà Phạm Thị Luyến, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, nhiều năm, nhất là những thời điểm có dịch sốt xuất huyết, UBND Phường Xuân Đỉnh đều chỉ đạo các cơ quan, trường học, tổ dân phố thành lập những “Đội xung kích diệt bọ gậy”. UBND Phường ra nghị quyết, quyết định và có Ban Chỉ đạo để kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường về công tác phòng dịch. Năm 2017 là năm cả nước trong đó có Hà Nội bùng phát dịch sốt xuất huyết nhưng nhờ có sự chỉ đạo của thành phố, Trung tâm y tế quận và sự phối hợp liên ngành với Phòng Giáo dục, các cơ quan, trường học nên tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn được khống chế kịp thời.

Cô Ngô Thị Thùy, cán bộ chuyên trách y tế học đường Trường THCS Xuân Đỉnh cho chúng tôi biết, Trong đợt dịch sốt xuất huyết năm ngoái, nhà trường thành lập “Đội xung kích diệt bọ gậy” gồm mỗi lớp 1 bạn thuộc học sinh khối 8 cùng với nhân viên y tế, một số giáo viên, lao công và bảo vệ của trường. “Đội xung kích diệt bọ gậy” ra quân trong vòng 2 tháng – thời gian cao điểm mùa dịch và cứ chiều thứ 5 hàng tuần là đi kiểm tra các khu vực xung quanh trường, thu gom các chai nhỏ, túi ni long, rác thải. Đối với những chậu cây cảnh nếu đọng nước thì đổ thêm đất vào cây hoặc không dùng thì bỏ đất, rửa sạch và úp chậu cây xuống.

Đội xung kích này cũng tham gia tuyên truyền, in phát phiếu điều tra cho các học sinh trong trường về tình hình dịch bệnh. Qua các giáo viên chủ nhiệm nhà trường cũng thống kê kịp thời số học sinh và người trong gia đình học sinh mắc sốt xuất huyết để báo cáo lên y tế phường, quận có biện pháp cách ly, khoanh vùng dịch, phun thuốc khử trùng và điều trị kịp thời cho học sinh mắc bệnh. Cao điểm trong đợt dịch năm 2017, nhà trường phải cập nhật diễn biến dịch bệnh và báo cáo theo giờ với các cơ quan ban ngành nên tình hình dịch bệnh của trường không nhiều và được kiểm soát, khống chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ