Đánh giá từ địa phương
Ngày 7/9, UBND huyện Tương Dương có Báo cáo về “Tình hình lũ lụt do xả lũ của Thủy điện Bản Vẽ gây ra trên địa bàn huyện Tương Dương”. Trong đó, địa phương này cho rằng các nhà máy thủy điện đã không thực hiện đúng quy định của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 2125/QĐ-TTg ngày 1/12/2015 về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả.
Sau cơn bão số 4, thủy điện Bản Vẽ tích nước với cao trình 199,91m, cao hơn mực nước được quy định là 7,4m. Trong khi đó lượng mưa thượng nguồn lớn nên lưu lượng xả lũ lớn, có thời điểm thủy điện Bản Vẽ xả lên đến 4.263m3/s và thủy điện bản Ang xả đến 720m3/s.
Thủy điện Khe Bố xả chậm với lưu lượng ít hơn tổng lưu lượng thủy điện Bản Vẽ, Bản Ang xả về (có thời lên đến 4.903m3/s, Khe Bố xả 4.477,6m3/s), gây ngập trên cao trình tại Thị trấn Hòa Bình và các xã Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái. Bên cạnh đó, các lòng hồ thủy điện theo từng năm đã bị bồi lắng, nhất là đối với lòng hồ của thủy điện Khe Bố. Do đó, việc duy trì mực nước cao trình như hiện tại đã không còn phù hợp.
Trong khi đó, tham gia các cuộc họp với địa phương và lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đại diện các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố khẳng định đã và đang thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 2125/QĐ-TTg về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả của Chính phủ. Việc vận hành xả lũ là theo lệnh của Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ tỉnh…
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ lý giải việc mực nước vượt quy định là do mưa lớn kéo dài, dẫn đến lưu lượng lũ về hồ tăng đột biến. Do phải cắt giảm lũ cho hạ du, thủy điện Bản Vẽ phải vận hành hồ chứa tăng dần lưu lượng xả xuống hạ du nhưng luôn giữ mức xả nhỏ hơn lưu lượng lũ về hồ. Như vậy, theo thủy điện Bản Vẽ, vì thực hiện đúng quy trình xả lũ nên dẫn đến việc tích nước trong hồ vượt quá quy định.
|
Gây thiệt hại thì phải đền bù cho dân
Qua làm việc với các địa phương và các nhà máy thủy điện, UBND tỉnh Nghệ An có báo cáo kết luận về hoạt động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn trong các đợt mưa lũ vừa qua. Trong đó chỉ ra công tác dự báo lưu lượng về hồ thủy điện Bản Vẽ vẫn còn sai số, do 80% diện tích lưu vực sông Cả ở địa bàn nước bạn Lào, không kiểm soát, theo dõi được; Hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ về mực nước trước lũ; Chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện, theo quy định;
Khi xả lũ làm co hẹp dòng chảy, xả từ trên cao xuống tạo thành lưu tốc lớn làm biến đổi dòng chảy gây sạt lở cho vùng hạ du. Việc phối hợp xả lũ giữa các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê còn mang tính riêng rẽ, thiếu tính hệ thống nhất nên đã gây ảnh hưởng đến khu vực hạ du.
Việc quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu của đơn vị quản lý vận hành các hồ thủy điện còn thiếu, chỉ báo cáo được “lưu lượng nước về hồ”. Hiện nay chỉ có 1 trạm quan trắc đặt tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), cách đập thủy điện khoảng 60km. Bởi vậy, không đủ thời gian để xử lý khi có lũ từ thượng nguồn về. Với thủy điện Khe Bố, không có trạm quan trắc kể cả thượng lưu và hạ lưu. Điều đó ảnh hưởng tới việc chỉ đạo vận hành xả lũ của các cơ quan có thẩm quyền chưa sát đúng, hoặc bị động.
Đánh giá tác động của Thủy điện đối với điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tồn tại bất cập và giải pháp trong thời gian tới UBND tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: Các nhà máy đã vận hành theo đúng quy trình quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng khi xả lũ có ảnh hưởng đến khu vực hạ du. Nên các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng do xả lũ để sớm ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Hỗ trợ khắc phục các công trình bị hư hư hỏng, cuốn trôi như cẩu Bản Vẽ, Cầu Chôm Lôm, các vị trí sạt lở, hư hỏng trên tuyến đường Quốc lộ 7.
Về phía chính quyền địa phương cũng đã trích ngân sách và xin hỗ trợ từ Trung ương để giúp các vùng thiệt hại do lũ khắc phục hậu quả.
|
Giải pháp lâu dài
Những biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt vừa qua mới chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Về lâu dài, nếu những hạn chế trên vẫn tồn tại, thì vào mùa mưa lũ nguy cơ không ứng phó kịp với diễn biến thời tiết, dẫn đến thiệt hại cho vùng lòng hồ thủy điện và hạ du sông Cả là hiện hữu.
UBND huyện Tương Dương, Con Cuông kiến nghị các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố… cần kiểm tra, khảo sát lại cốt nước ngập để cắm lại mốc ngập thượng lưu và hạ lưu; Kiến nghị UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá thực tế về thiệt hại, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các thủy điện, các đơn vị liên quan để có chính sách khắc phục các thiệt hại; Đánh giá lại quy trình vận hành liên hồ chứa, cắm lại mốc ngập lũ của các lòng hồ để có phương án phòng tránh, xử lý; xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo lũ sớm…
Chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các sở, ngành xem xét hạ mực nước dâng bình thường của Thủy điện Khe Bố xuống dưới cốt 65m. Đối với thủy điện Bản Vẽ, đề nghị thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa theo đúng Quyết định số 2125 và đưa độ cao mức nước trước mùa mưa lũ thấp hơn 192,5m;
Về phía UBND tỉnh Nghệ An cũng xin Trung ương hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp lưu vực sông Cả và xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông cả gắn với thủy điện xả lũ. Hỗ trợ lắp đặt các thiết bị theo dõi, dự báo thời tiết để nâng tính chủ động trong thông tin và ứng phó của phía thủy điện cũng như chính quyền, người dân đối với bão lũ. Đồng thời, đề xuất chính phủ sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả cho phù hợp với điều kiện thực tế; có cơ chế trích 1% lợi nhuận của các nhà máy thủy điện để làm quỹ hỗ trợ dân sinh và cơ sở hạ tầng khi bị thiệt hại do xả lũ.