Cảnh báo mạo danh bác sĩ, bệnh viện để lừa đảo

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều Fanpage mạo danh, sử dụng hình ảnh của các bệnh viện lớn hay bác sĩ để lừa đảo.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo, nhiều đối tượng đóng giả làm người bệnh để lừa đảo.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo, nhiều đối tượng đóng giả làm người bệnh để lừa đảo.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Các đối tượng này lập lên trang Facebook, Fanpage, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

Một vài trường hợp mạo danh như Facebook Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Thắng, TikTok Nguyễn Huy Cường cùng các nhóm cộng đồng có tên trên giới thiệu hay tư vấn nội dung về việc là nhân viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Thậm chí, trên Facebook xuất hiện trang giả mạo TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh.

Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn, đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Sau đó, bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kì thành phần gì bên trong với giá từ 3 - 5 triệu/liệu trình điều trị. Đã có nhiều người bệnh cả tin bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết liên tiếp nhận được phản ánh về tình trạng một số đối tượng mạo danh lừa đảo người bệnh và người nhà để trục lợi.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt trang Fanpage giả mạo vừa được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang Fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thậm chí, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi trang. Từ đó, kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép.

Đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà tới phòng khám thuộc khu khám bệnh của bệnh viện.

Thậm chí, giả danh nhân viên bệnh viện chèo kéo khách hàng, lợi dụng lòng tin của người bệnh để bán thuốc (như thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ…). Có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi bất chính.

Hàng loạt bệnh viện khác như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội… đều gặp tình trạng tương tự.

Sự “lộng hành” của các đối tượng lừa đảo, mạo danh nói trên làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện. Đồng thời, gây hoang mang trong cộng đồng và đối tác, người bệnh, người nhà người bệnh.

Các bệnh viện khuyến cáo, người dân trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân và người nhà nghe trực tiếp tư vấn và chỉ định điều trị từ bác sĩ và nhân viên y tế. Nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh lừa đảo gây thiệt hại không đáng có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.